April 01, 2017 | 20:34 GMT+7

Hành trình “phủ sóng” khắp thế giới của Uber

Kim Tuyến

Năm 2009, một công ty có tên UberCab đã khiến cả thung lũng Silicon sửng sốt với dịch vụ đặt xe qua điện thoại thông minh

CEO Uber, ông Travis Kalanick - Ảnh: Reuters.<br>
CEO Uber, ông Travis Kalanick - Ảnh: Reuters.<br>
Năm 2009, một công ty có tên UberCab đã khiến cả thung lũng Silicon sửng sốt với dịch vụ đặt xe qua điện thoại thông minh, theo Business Insider. Sau này đổi tiên thành Uber, ứng dụng này đang “phủ sóng” tại 570 thành phố trên thế giới và có giá trị ước tính khoảng 70 tỷ USD.

Liên tục hút vốn


Sau hội nghị công nghệ LeWeb năm 2008, Kalanick nảy ra ý tưởng đặt xe giá rẻ bằng điện thoại và cho ra mắt Uber vào năm 2009. Garrett Camp, Oscar Salazar, và Conrad Whelan là những người xây dựng phiên bản ứng dụng đầu tiên, còn Kalanick đóng vai trò “siêu cố vấn”.

Năm 2010, Uber ra mắt ở San Francisco. Thời điểm đó, mức phí của Uber cao gấp 1,5 lần taxi thông thường nhưng ưu điểm là hành khách có thể đặt xe chỉ bằng một nút bấm. Ứng dụng này nhanh chóng trở thành cơn sốt tại thung lũng Silicon. Và cũng vì thế, Travis Kalanick nổi lên như một ngôi sao trên bầu trời công nghệ.

Tháng 10/2009, Uber nhận 1,25 triệu USD đầu tư từ quỹ First Round Capital, Chris Sacca (bạn của Kalanick) và nhà đồng sáng lập Napster, Shawn Fanning.

Đến đầu năm 2011, ứng dụng này nhận 11 triệu USD sau vòng gọi vốn Series A, động thái giúp giá trị công ty tăng lên 60 triệu USD. Tháng 5 năm đó, Uber tiếp tục ra mắt tại New York, một trong những thị trường lớn và gây tranh cãi nhiều nhất. Từ tháng 12 năm đó, ứng dụng này lấn sân sang Paris (Pháp) đồng thời nhận thêm 32 triệu USD sau vòng gọi vốn Series B.

Giữa 2013, Uber mở rộng sang Ấn Độ và châu Phi, nhận thêm 258 triệu USD sau vòng gọi vốn Series C từ Google Ventures, giúp nâng giá trị công ty lên 3,76 tỷ USD.

Tháng 7/2014, Uber đặt chân sang thị trường Trung Quốc sau khi huy động được 1,2 tỷ USD, nâng giá trị lên 17 tỷ USD. Cuối năm đó, ứng dụng này tiếp tục nhận 600 triệu USD đầu tư từ hãng tìm kiếm Trung Quốc Baidu. Uber bắt đầu tích hợp ứng dụng bản đồ và tìm kiếm qua di động của Baidu, “khai chiến” với các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc.

Tháng 9/2015, Uber tiếp tục huy động được 1,2 tỷ USD để mở rộng hoạt động tại thị trường Trung Quốc với đối thủ lớn nhất là Didi Kuaidi.

Dịch vụ “phủ sóng” ngành vận tải


Tháng 7/2012, Uber tiết lộ dự án bí mật “Uber X” giá rẻ với giá dịch vụ thấp hơn 35% so với dịch vụ xe xa xỉ “UberBlack” trước đó và sử dụng các dòng xe như Prius và Cadillac Escalade. Kalanick khẳng định: “Uber là sự giao thoa giữa vận tải và phong cách sống”.

Tháng 4/2014, Uber ra mắt dịch vụ giao hàng UberRUSH tại Manhattan và bắt đầu mở rộng sang thị trường Trung Quốc từ giữa năm này. Theo Business Insider, quốc gia đông dân nhất thế giới là một trong những thị trường lớn nhất của Uber.

Giữa năm đó, Uber hợp tác với Blade cung cấp dịch vụ di chuyển bằng trực thăng UberCHOPPER từ New York đi Hamptons với giá 3.000 USD/lượt. Đồng thời, dịch vụ UberPool cho phép ngắt chuyến và chia tiền phí giữa hành khách có cùng lộ trình, cũng ra mắt.

Đầu 2015, dịch vụ UberCARGO ra mắt ở Hồng Kông, giúp Uber phủ kín tất cả các dịch vụ vận chuyển và đi lại. Uber gọi dịch vụ này là phương thức “vận chuyển hàng hóa như một VIP”.

Tháng 3 năm đó, hãng này bắt đầu tiến trình mua lại ứng dụng bản đồ deCarta nhằm giảm phụ thuộc vào Google Maps. Tiếp đó, dịch vụ chuyển đồ ăn theo yêu cầu UberEATS ra đời, thí điểm tại 4 thành phố: Los Angeles, Barcelona, Chicago và New York.

Tháng 5/2015, Uber tuyển dụng 40 nhân viên từ đại học công nghệ và máy tính hàng đầu của Mỹ Carnegie Mellon để phục vụ cho dự án chế tạo xe tự lái.

Tiếp đó, Uber ra mắt dịch vụ xe tự lái đầu tiên tại Pittsburgh với dòng xe Ford Fusion được trang bị 20 camera, 7 máy laser, định vị GPS, hệ thống Lidar và thiết bị radar cho phép tạo bản đồ 3 chiều sử dụng các địa danh và nhiều thông tin địa điểm khác để theo dõi vị trí.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, cơ quan quản lý xe cơ giới California đã thu hồi 16 xe tự lái thử nghiệm của Uber và buộc dừng hoạt động này tại bang. Sau đó Uber chuyển chương trình sang Arizona.

Năm 2016, Uber tiếp tục hợp tác với Airbus cung cấp dịch vụ UberCoper, thử nghiệm trong một tháng. Dịch vụ trực thăng này có giá 63 USD hoạt động tại thành phố Sao Paulo vốn nổi tiếng với tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Trong đà tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ, từ đầu năm 2017, Uber liên tiếp vướng vào nhiều vụ bê bối, tuy nhiên điều đó không tác động nhiều tới việc kinh doanh của hãng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate