Áp dụng công nghệ xanh ở Đông Nam Á là nhiệm vụ cấp thiết giảm thiểu lượng khí thải carbon khu vực, bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân. Theo báo cáo năm 2022 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu nhiên liệu hóa thạch tăng cao khiến nguồn cung không đáp đủ. Do vậy, năng lượng xanh là giải pháp cung cấp nguồn năng lượng sạch với giá cả phải chăng, giảm khí thải và đảm bảo nguồn cung liên tục cho tất cả mọi người, theo Tech Collective Asia.
Bà Andrea Meza Murillo, Phó Thư ký điều hành Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD), cho biết biến đổi khí hậu tàn phá hành tinh thông qua hạn hán, lũ lụt, sóng thần và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác. Do đó, quá trình chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn tái tạo ở Đông Nam Á trở nên thiết yếu cho sự sống còn của khu vực.
Đi kèm với đó là nguy cơ mất an ninh lương thực, tạo ra nạn đói và suy dinh dưỡng, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ngoài ra, khí thải nhà kính gây ô nhiễm không khí, khiến người dân mắc một số bệnh về đường hô hấp.
GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ XANH MANG LẠI NHIỀU LỢI ÍCH
Công nghệ xanh tạo điều kiện thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ nguồn năng lượng không tái tạo sang nguồn năng lượng sạch. ASEAN sở hữu nguồn nguyên liệu thô tuyệt vời như niken, một thành phần quan trọng trong việc tạo ra giải pháp thân thiện môi trường.
Xe điện, giúp giao thông khu vực phát triển theo hướng bền vững, đang ngày càng được ưa chuộng bởi chính sách hỗ trợ tốt từ chính phủ các nước, ý thức về môi trường và dân cư am hiểu công nghệ. Theo ước tính, doanh thu thị trường công nghệ xe điện sẽ đạt 1.510 triệu USD vào năm 2024 và tăng trưởng hàng năm khoảng 5,51% lên 1.871 triệu USD vào năm 2028.
Một số startup tích cực giải quyết các thách thức về khí hậu đô thị có thể kể đến như: Công ty Fairatmos của Indonesia hỗ trợ bù trừ carbon; Unravel Carbon được hỗ trợ bởi AI, giúp doanh nghiệp theo dõi và giảm lượng khí thải; hay SunGreenH2 của Singapore nổi tiếng về sản xuất hydro xanh.
Bên cạnh đó, công nghệ xanh sáng tạo mở ra cơ hội, cho phép doanh nghiệp ASEAN tạo việc làm, tuyển dụng nhân viên công nghệ tài năng và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Khi tạo ra giải pháp, họ có thể giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, chẳng hạn như diện tích đất nông nghiệp hạn chế. Một trong số đó là nông nghiệp thẳng đứng (hay còn gọi là trang trại dọc), giúp người dân tiết kiệm diện tích, bảo vệ đất, giảm ô nhiễm từ phân bón và sử dụng hiệu quả nguồn nước.
Một số giải pháp quản lý rác thải đã ra đời góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm tại khu vực. Thứ nhất, bằng cách đốt, công nghệ chuyển hóa chất thải thành năng lượng (WTE), cung cấp cho các hộ gia đình. Thứ hai, sử dụng rác thải rừng và nông nghiệp, tạo ra sinh khối có giá trị như nguồn năng lượng tái tạo.
KHÓ KHĂN KHI ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ XANH RỘNG RÃI
Việc áp dụng rộng rãi công nghệ xanh không đơn giản như nhiều người mong đợi. ASEAN sử dụng rất nhiều than làm nguồn điện, chiếm 40% năng lượng được sản xuất trong khu vực. Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) là giải pháp hiệu quả về chi phí và ít phát thải khí nhà kính hơn. Tuy nhiên, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn và giá tăng đáng kể.
Hiển nhiên, những thách thức liên quan đến chính sách luôn ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi. Công nghệ xanh cần có nhiều chính sách ưu tiên, khuyến khích hơn để sớm có bước tiến trong ngành.
Công ty tư vấn Bain & Co cho biết, Đông Nam Á đang "đi chệch hướng nghiêm trọng" về đầu tư xanh. Giới nghiên cứu tin rằng các nhà lãnh đạo cần đưa ra chính sách tài chính sáng tạo để thu hút nguồn vốn. Nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến một số vấn đề như lợi nhuận thấp, khó khăn trong việc thoái vốn hay sự phức tạp khi đo lường tác động đầu tư đến môi trường.
Kèm với đó, chi phí công nghệ mới vẫn ở mức cao, cơ sở hạ tầng cần được cải thiện, đặc biệt là sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Startup cần được hỗ trợ để chi trả cho công nghệ mới và đào tạo nhân viên có kỹ năng sử dụng.
Kinh tế phát triển nhanh tạo ra rất nhiều chất thải điện tử và rác dân sinh. Quá tải dân số, điều kiện sống chật hẹp tăng nguy cơ ô nhiễm khi cơ sở hạ tầng không đủ để xử lý rác thải.
PHÁT TRIỂN XANH TRONG ASEAN
Theo báo cáo của Đại học Columbia, mọi khía cạnh của nền kinh tế phải thay đổi nếu muốn giảm thiểu carbon. Điều đó có nghĩa là cần những ý tưởng mới trong thực tiễn quản lý đất đai, sản xuất năng lượng, cung cấp hàng hóa và dịch vụ. Các quốc gia có thể tập trung tuyên truyền tiết kiệm năng lượng trong những tòa nhà lớn, sử dụng vật liệu bền vững để xây dựng và ứng dụng biện pháp khử carbon.
Tổ chức Năng lượng Bền vững (SEforAll) chỉ rõ, Đông Nam Á rất dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu và có thể mất tới 30% GDP vào năm 2050. Do đó, khu vực cần nhanh chóng áp dụng năng lượng xanh, giảm 10% lượng khí thải vào năm 2030 và ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.
Một số chuyên gia "mách nước", Đông Nam Á cần: Đảm bảo chuyển dịch năng lượng sang nguồn năng lượng sạch; Khuyến khích phương tiện giao thông ít carbon; Phát triển năng lực sản xuất bền vững tại địa phương.
Áp dụng số hóa có nghĩa là công nghệ xanh ở Đông Nam Á có thể quản lý tốt hơn việc sử dụng năng lượng và thu thập dữ liệu một số biện pháp giảm thiểu carbon. Để bắt đầu, doanh nghiệp nên giải quyết vấn đề khí thải trong chuỗi cung ứng của mình trước, sau đó áp dụng chính sách môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để bảo vệ hành tinh.