Công ty CP Tập đoàn Hapaco (mã chứng khoán HAP - HoSE) mới đây có quyết nghị thông qua tiêu chuẩn công nhận "Giới tinh hoa của Hapaco", đây được xem là một hình thức huy động vốn của Tập đoàn này trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức cao.
MÀN HUY ĐỘNG VỐN CÓ MỘT KHÔNG HAI CỦA HAPACO
Theo đó, đối với cổ đông làm việc trong Tập đoàn Hapaco, để được công nhận là giới tinh hoa thì phải sở hữu 4 triệu cổ phiếu HAP trở lên, có trình độ kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ giỏi ở đơn vị công tác; Có quỹ tiền mặt 3 tỷ đồng để Hapaco có thể huy động tối đa 3 tháng, lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm của Ngân hàng Sacombank.
Đối với cổ đông không làm việc trong Tập đoàn Hapaco, phải sở hữu 4 triệu cổ phiếu HAP trở lên, không có tiền án tiền sự, có quỹ tiền mặt 1 tỷ đồng để Hapaco có thể thỏa thuận huy động tối đa 3 tháng, lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm của Ngân hàng Sacombank.
Vậy quyền lợi của cổ đông là gì? theo quyết nghị, giới tinh hoa sẽ được trả tăng thêm 2% cổ tức của từng năm. Chẳng hạn, cổ đông bình thường được chia 6% năm thì thành viên giới tinh hoa được trả 8%/năm. Ngoài ra, sẽ được phụ cấp 5 triệu đồng/tháng (sau thuế thu nhập cá nhân).
Hapaco cho biết việc xác nhận danh hiệu “Giới tinh hoa của Hapaco” sẽ căn cứ vào chính danh sách Đại hội đồng cổ đông hàng năm do Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam chốt từ đầu năm. "Giới tinh hoa của Hapaco" được hưởng quyền lợi và được lĩnh 1 lần sau Đại hội đồng cổ đông năm đó.
Theo dữ liệu tại cuối năm 2022, 4 người trong ban lãnh đạo Hapaco thỏa tiêu chí về cổ phiếu: Chủ tịch Vũ Dương Hiền sở hữu 14,4 triệu cổ phiếu, Phó Tổng Giám đốc Vũ Xuân Thủy 4,9 triệu cổ phiếu, Phó Tổng Giám đốc Vũ Xuân Thịnh 4,8 triệu cổ phiếu và Phó Tổng Giám đốc Vũ Xuân Cường 4,1 triệu cổ phiếu. Cả ba đều là con trai của ông Hiền. Còn theo tiêu chí về tiền mặt thì chưa rõ 4 người này có đạt chỉ tiêu hay không.
NHÀ ĐẦU TƯ CHỜ ĐƯỢC MẠ THÌ MÁ ĐÃ SƯNG?
Việc thành lập giới tinh hoa để kêu gọi vốn được giới chuyên môn đánh giá là ván bài khôn khéo của Hapaco nhằm huy động vốn trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường tài chính hạn hẹp, mặt bằng lãi suất đang duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề về quyền lợi mà nhà đầu tư có thể cần phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn, thậm chí có thể sẽ rơi vào trường hợp "chờ được mạ thì má đã sưng".
Trên thị trường, cổ phiếu HAP đang được giao dịch với mức giá 4.560 đồng/cổ phiếu. Như vậy, với một cổ đông bên ngoài, nhà đầu tư cần khoảng 20 tỷ đồng để tham gia vào giới tinh hoa của Hapaco, trong đó, khoảng 19 tỷ đồng để mua 4 triệu cổ phiếu và duy trì 1 tỷ đồng trong tài khoản.
Năm 2022, Hapaco trả cổ tức 4%/mệnh giá, 1 cổ phiếu được nhận về 400 đồng. Giả sử năm 2023, Hapaco trả cổ tức 2% (1 cổ phiếu được nhận 200 đồng) thì số tiền một người trong giới tinh hoa có thể nhận về 1,6 tỷ tiền cổ tức. Ngoài ra, giới tinh hoa sẽ nhận được khoảng 60 triệu đồng tiền phụ cấp một năm.
Tuy nhiên, liệu năm nay Hapaco có chi trả cổ tức cho nhà đầu tư hay không là một câu hỏi mà nhà đầu tư cần lưu ý? Trong khi đó, với 1 tỷ đồng tiền mặt luôn phải để không trong tài khoản nhằm đảm bảo Hapaco có thể vay bất cứ lúc nào với mức lãi suất của Sacombank cũng không phải là một mức giá hời cho nhà đầu tư. Với 1 tỷ đồng này, nhà đầu tư có thể gửi tiết kiệm ở các ngân hàng khác như TCB, SCB với mức lãi suất lên tới 9,9% cho kỳ hạn 6 tháng. Chưa xét đến việc chôn vốn lâu trong khi cơ hội trên thị trường tài chính như chứng khoán là không thiếu.
Đặc biệt, với biến động giá của cổ phiếu HAP, nhà đầu tư còn đối diện rủi ro bốc hơi tài khoản lớn khi giá trị cổ phiếu rớt mạnh. Lịch sử cho thấy, từ tháng 2/2022, tức cách đây 1 năm, cổ phiếu HAP khi đó giao dịch ở mức 13.000 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên, ngay sau đó, thị giá HAP rớt một mạch về còn 4.560 đồng/cổ phiếu, giảm 60% trong vòng một năm, thanh khoản hiện tại chỉ loanh quanh 300 nghìn cổ phiếu được sang tay mỗi phiên.
Rủi ro giảm giá cổ phiếu HAP rất lớn khi mà Hapaco vừa ghi nhận quý lỗ nặng nhất trong 15 năm qua, với mức lỗ 31 tỷ đồng trong quý 4/2022. Lũy kế năm 2022, lợi nhuận của HAP còn vỏn vẹn 6,7 tỷ đồng trong khi năm ngoái lên tới 41 tỷ đồng.
Trong giải trình về kết quả lỗ, Hapaco cho biết “đã cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, tối giản chi phí, đồng thời có hoàn nhập dự phòng với công ty thành viên năm trước. Cùng với đó là việc CTCP Bệnh viện Quốc tế Green kinh doanh không hiệu quả”.
Tuy nhiên, khoản lỗ không đến từ kết quả kinh doanh cốt lõi bởi doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 4/2022 của Hapaco thậm chí còn tăng mạnh từ 146 tỷ đồng năm trước lên 157 tỷ đồng năm nay. Khoản lỗ này chủ yếu do chi phí doanh nghiệp phình to và chi phí tài chính tăng mạnh. Trong đó, chi phí doanh nghiệp tăng từ 6,8 tỷ đồng năm ngoái lên 144 tỷ đồng quý 4/2022 chủ yếu do trích lập dự phòng nợ khó đòi và lỗ đầu tư chứng khoán.
Thậm chí, nếu không ghi nhận doanh thu tài chính từ thanh lý các khoản đầu tư ngắn hạn hơn 117 tỷ đồng, Hapaco có thể đã lỗ nặng hơn thế. Trong kỳ, Công ty có ghi nhận khoản phải thu chuyển nhượng cổ phần Bệnh viện Quốc tế Green 268 tỷ đồng và sở hữu của Hapaco tại Bệnh viện Quốc tế Green giảm xuống còn 49,5%.