Cụ thể, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 3.984 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 398 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2020, với tỷ lệ phân phối 25%. Nguồn vốn để phát hành từ lợi nhuận chưa phân phối đã được kiểm toán và trích lập đầy đủ các quỹ theo quy định.
Tiếp đó HDBank sẽ phát hành 20 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, khi hoàn tất các phương án phát hành nêu trên, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng từ 16.088 tỷ đồng lên 20.273 tỷ đồng.
Về kết quả kinh quanh quý 1/2021, HDBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 2.100 tỷ đồng tăng 68% so với quý 1/2020 với đóng góp tích cực từ thu dịch vụ. Các chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 26,3% và 2,1%, tăng mạnh so với quý 1/2020. Hệ số an toàn vốn CAR (Basel 2) đạt trên 12% trong khi tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,1%.
Nhà băng này được đánh giá có dư địa tăng trưởng cao, với tiềm năng lớn ở các mảng bancassurance, tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và các sản phẩm dịch vụ. HDBank là một trong số ít các ngân hàng chưa ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và hiện nhận được sự quan tâm từ nhiều đối tác lớn.
Vừa qua, cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) mới đây nâng triển vọng của HDBank từ “ổn định” lên “tích cực” với nhận định xếp hạng tín nhiệm cơ sở (BCA) của HDBank có thể được điều chỉnh nâng bậc trong 12-18 tháng tới nhờ chất lượng tài sản, khả năng sinh lời không ngừng được nâng cao.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch 3/6, giá cổ phiếu HDB của HDBank đạt 35.800 đồng/cổ phiếu với khối lượng mua ròng tích cực từ khối ngoại.