Sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số đã ảnh hưởng đến các quyết định của người tiêu dùng, tăng lượng lớn hàng hóa thương mại điện tử. Từ đó tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics thương mại điện tử để vận chuyển các sản phẩm liên quan. Theo Research and Markets, thị trường logistics thương mại điện tử cũng được các chuyên gia dự báo lên mức 1.163,56 tỷ USD vào năm 2026 với tốc độ CAGR 19,6%. Để đáp ứng nhu cầu, nâng cao trải nghiệm người tiêu dùng và vận hành an toàn, tiến bộ công nghệ là một xu hướng chính đang trở nên phổ biến trong thị trường này.
Nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, cùng với nền kinh tế có độ mở lớn, xuất, nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức hai con số, Việt Nam được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics. Hiện nay, ngành logistics Việt Nam có tốc độ phát triển từ 14% đến 16%/năm. Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh xác định logistics là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế. Vai trò quan trọng đó đã được Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 11 (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định: "Ðề án Phát triển ngành logistics Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" là một trong 49 chương trình, đề án trọng tâm phát triển kinh tế thành phố.
Trên thực tế, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam đang chạy đua đầu tư hiện đại hoá chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Logistics - Lazada Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đã đầu tư rất lớn xây dựng nền tảng logistics 4.0 và xác định logistics trở thành một trong những ưu thế cạnh tranh của Lazada trên thị trường thương mại điện tử. Theo đại diện Lazada Logistics Việt Nam, đầu tư cho logistics không chỉ phục vụ doanh nghiệp mà là đầu tư cho sự phát triển bền vững của thương mại điện tử.
Mục tiêu này được hiện thực hóa qua những sáng kiến mỗi năm để thiết thực đồng hành và hỗ trợ cho người tiêu dùng, nhà bán hàng và toàn ngành thương mại điện tử. Trong hơn một thập kỷ qua, Lazada đã đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng hệ sinh thái logistics hiện đại và bền vững.
Tại Việt Nam, Lazada Logistics sở hữu hệ thống trung tâm phân loại, kho bãi lưu trữ, xử lý hàng hóa và mạng lưới bưu cục rộng hơn 150.000m2. Tính đến nay, Lazada Logistics đã xây dựng nhiều trung tâm chia chọn khác nhau tại TP.HCM và Hà Nội, cùng mạng lưới hàng trăm bưu cục trải khắp các tỉnh thành, đảm bảo hàng hoá được xử lý theo tiêu chuẩn hàng đầu với thời gian hành trình nhanh nhất.
Riêng trong năm 2023, Lazada Logistics Việt Nam vừa chính thức khánh thành Lazada Logistics Park với tâm điểm là Trung tâm phân loại hàng hóa công nghệ cao có quy mô hiện đại bậc nhất tại Khu công nghiệp Sóng Thần 1, Bình Dương. Với tổng diện tích lên tới gần 20.000 m2, trung tâm phân loại mới có khả năng xử lý tới 1 triệu bưu kiện mỗi ngày và mức độ tự động hóa lên đến 99% nhờ hệ thống công nghệ hiện đại gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và machine learning (học máy).
Bằng việc đầu tư bài bản vào cơ sở hạ tầng với những trang thiết bị hiện đại cùng công nghệ tự động hóa, trung tâm phân loại mới Lazada Logistics Park có thể giúp tối ưu hiệu suất và nguồn lực vận hành, qua đó đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng cao của người dùng.
"Trung tâm chia chọn hàng hóa mới không chỉ là bước đột phá trong quá trình phát triển của Lazada Logistics, mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ngành logistics thương mại điện tử tại Việt Nam nói chung. Chúng tôi tin rằng với những nỗ lực này, Lazada Logistics sẽ đóng góp tích cực vào việc xây dựng một hệ sinh thái logistics thương mại điện tử bền vững, thiết lập các tiêu chuẩn mới và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển chung của ngành", đại diện Lazada Việt Nam chia sẻ thêm.