March 04, 2014 | 11:47 GMT+7

Hết dựa vàng, Sacombank đi “gom bạc cắc”

Minh Đức

Năm 2013, Sacombank trở lại ở vị trí thứ hai về lợi nhuận trong khối ngân hàng thương mại cổ phần

Nhờ cơ sở khách hàng cá nhân lớn, Sacombank đã có một cân đối nguồn
 cần thiết trong năm 2013. Lượng tiền gửi khách hàng cá nhân đã giúp họ 
khỏa lấp lỗ hổng từ sự ra đi của vốn vàng.
Nhờ cơ sở khách hàng cá nhân lớn, Sacombank đã có một cân đối nguồn cần thiết trong năm 2013. Lượng tiền gửi khách hàng cá nhân đã giúp họ khỏa lấp lỗ hổng từ sự ra đi của vốn vàng.
Quý cuối cùng của năm 2012, lần đầu tiên kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) gây sốc với mức lỗ nặng, lên tới 855 tỷ đồng (riêng ngân hàng). Lợi nhuận lũy kế năm đó chỉ được 1.314,55 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm 2013, Sacombank đánh dấu bằng sự trở lại ở vị trí thứ hai về lợi nhuận trong khối ngân hàng thương mại cổ phần xét theo giá trị tuyệt đối (sau MB), với 2.837,57 tỷ đồng. Đây cũng là một trong số ít ngân hàng vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm qua.

Điều gì đã đưa ngân hàng này trở lại?

Dĩ nhiên không phải vàng, cũng không phải nhờ “lưng” của các ngân hàng khác theo cách mà nhiều thành viên từng kiếm lợi những năm trước trên thị trường liên ngân hàng, cũng không hẳn phải cậy nhờ các mối khách hàng lớn là các tập đoàn hay tổng công ty nhà nước.

Trước đây, vàng có đóng góp đáng kể trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng này. Nhưng năm 2013, ước tính trên 52.000 lượng (gần 2.400 tỷ đồng) còn lại đã được bóc gọn. Nguồn kinh doanh trên liên ngân hàng cả gửi lẫn cho vay so với trước đây không còn đáng kể.

Và trong khi toàn hệ thống các ngân hàng nói chung bí tín dụng, nhiều con thoi phải chạy đủ đường, tìm đủ cách, kể cả dằn lòng cho vay lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động, thì Sacombank đều đặn, cần mẫn đi theo con đường riêng của họ. Đó là đi “gom bạc cắc”, với những khoản vay nhỏ lẻ.

Trước hết, đặc thù và thế mạnh của Sacombank nhiều năm qua là mô hình bán lẻ. Đây là thành viên có mạng lưới lớn nhất trong khối cổ phần (424 điểm giao dịch), sở hữu nhiều vị trí khá đắc địa (đặc biệt tại thị trường phía Nam).

Tại đại hội đồng cổ đông năm 2013, chủ tịch một ngân hàng cổ phần lớn từng nói, sẽ khó cạnh tranh với Sacombank về bán lẻ, càng khó để đuổi kịp về quy mô mạng lưới với hạ tầng, nguồn lực mà họ đã gây dựng.

Thế nên, trong khi nhiều ông lớn, ông nhỏ cạnh tranh gay gắt để có vài gói tín dụng đơn vị nghìn tỷ, hay đồng loạt tung ra và giới thiệu các gói ưu đãi quy mô lớn nhưng thực tế giải ngân chật vật, thì Sacombank vẫn đều đặn “tỉa và gom” những gói nhỏ, cỡ vài chục đến trăm tỷ. Khách hàng của họ là tiểu thương, bà con buôn thúng bán bưng ở khu phố, xã phường quen thuộc…

Hoạt động “gom bạc cắc” đó được đẩy cao hơn trong năm 2013. Mặc dù tổng dư nợ của ngân hàng này năm qua tăng trưởng khiêm tốn với 13,7%, nhưng cho vay khách hàng cá nhân lại rất mạnh, đạt 42.633 tỷ đồng, tăng tới 31,2% và tăng tỷ trọng từ 35% lên 40,1%.

Cho vay tiêu dùng cũng chiếm một cơ số khá lớn với 19.344 tỷ đồng, chiếm 63,8% tổng cho vay phi sản xuất.

Thông thường, cho vay khách hàng cá nhân, tín dụng tiêu dùng giúp ngân hàng có được một tỷ lệ lãi biên tốt hơn. Điều này thực sự ý nghĩa với Sacombank trong xu hướng giảm nhanh và mạnh của lãi suất cho vay năm qua.

Thế nhưng, khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng có thể khác nhau. Không xa, chỉ mới cách đây dăm năm, đặc biệt trong năm 2008, cho vay khách hàng cá nhân cùng tín dụng tiêu dùng gần như bị bóp nghẹt. Một phần do cơ chế trần lãi suất cùng trở ngại của câu chuyện lãi suất cơ bản (lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản), một phần đây vẫn được xem là mảng tiềm ẩn rủi ro cao hơn mà nhiều ngân hàng không coi trọng hoặc không đẩy mạnh.

Có thể rủi ro khi cho vay cá nhân với tỷ trọng lớn hiện chưa bộc lộ, hoặc mức độ thực tế còn ở phía trước, song cũng có quan điểm “gom bạc cắc” giống như bỏ trứng vào nhiều giỏ, phân tán rủi ro hơn là nhồi rủi ro vào những khoản vay lớn của các khách hàng lớn (như trường hợp Vinashin, Vinalines chẳng hạn). Với riêng Sacombank, một thực tế là họ tạo lập được một cơ sở lớn các khách hàng cá nhân bằng con đường này.

Cũng nhờ cơ sở khách hàng cá nhân lớn, Sacombank đã có một cân đối nguồn cần thiết trong năm 2013. Lượng tiền gửi khách hàng cá nhân đã giúp họ khỏa lấp lỗ hổng từ sự ra đi của vốn vàng. Năm 2013, tiền gửi của khách hàng cá nhân tại đây đã tăng đáng kể cả về tốc độ (tăng 24,3%) và tỷ trọng (tăng 6,6%). Hơn nữa, dòng tiền gửi này cũng giúp cân đối nguồn tốt hơn, khi góp phần nâng tỷ trọng vốn trung dài hạn của ngân hàng tăng 8,4%.

Nhưng sự trở lại của Sacombank sẽ như thế nào trong tương lai, khi có thể xuất hiện thêm yếu tố “mới mà không mới”? VnEconomy sẽ sớm có bài viết về câu hỏi này.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate