Bộ Tài chính vừa ban hành công văn số 2635/BTC-QLCS yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
NHÀ ĐẤT CÔNG BỊ LẤN CHIẾM, KHÓ XỬ LÝ
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, từ năm 2001 - 2021, có hàng trăm nghìn cơ sở nhà, đất với hàng triệu m2 đất được được thực hiện sắp xếp, xử lý lại. Riêng năm 2022, Bộ Tài chính phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 154 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương, đưa tổng số cơ sở nhà, đất đã được phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp lại trong năm 2022 là 30.632 cơ sở nhà, đất.
Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại, xử lý nhà đất vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó, thực trạng quản lý, sử dụng nhà, đất hiện nay còn phức tạp và khó xử lý.
"Do lịch sử để lại, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng dẫn đến những trường hợp sử dụng nhà, đất chưa đúng quy định như bị lấn chiếm, bố trí làm nhà ở, cho thuê, liên doanh, liên kết… rất khó xử lý hoặc việc xử lý mất nhiều thời gian và cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, các ngành, các cấp", Bộ Tài chính nêu rõ.
Chẳng hạn, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh bị chiếm dụng tới 1,62 triệu m2, đây là đất của các hộ dân trong khu quy hoạch tại Thủ Đức; 3.000 m2 đất thuộc trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh quản lý cũng bị các hộ dân lấn chiếm.
Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn chưa thu hồi 34 phòng ở của cán bộ giáo viên với diện tích gần 1.100 m2 để bàn giao cho Trung tâm Nội trú sinh viên; tại địa chỉ 182 Lương Thế Vinh có 6 hộ đang sử dụng 285,6 m2 đất làm nhà ở; diện tích 9 m2 tại 19 Lê Thánh Tông đang bị lấn chiếm.
Hay loạt dự án của Tập đoàn Bảo Việt làm chủ đầu tư trên địa bàn Hà Nội bị bỏ hoang, chậm tiến độ, bị thanh tra gồm: dự án Tháp tài chính quốc tế IFT địa chỉ 220 Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy); dự án Văn phòng cho các Hiệp hội Hà Nội (tên thương mại Seven Star) tại lô đất D27 2,2 ha quận Cầu Giấy...
Do đó, trong Công văn số 2635, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan chức năng tại địa phương có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, xem xét, giải quyết các trường hợp nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích và các trường hợp hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc địa phương và trung ương quản lý trên địa bàn.
Cụ thể, đối với các cơ sở nhà, đất thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các cơ quan chức năng của địa phương căn cứ nguồn gốc, hồ sơ pháp lý có liên quan và quy định của pháp luật về đất đai để xem xét, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
"Không chờ đến khi sắp xếp lại, xử lý xong mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Đối với các cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc đối tượng sắp xếp lại theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện theo Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Công văn số 12330/BTC-QLCS ngày 24/11/2022 của Bộ Tài chính và công văn này, bảo đảm việc lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo đúng quy định, không để lãng phí, sai phạm, lấn chiếm, chuyển đổi, sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa.
HẾT NĂM 2023, PHÊ DUYỆT XONG PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ NHÀ ĐẤT
Tại công văn này, Bộ Tài chính cũng đề nghị chậm nhất ngày 31/5, các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc rà soát tất cả các cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý của mình.
Trên cơ sở đó, xác định chính xác số cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý (các cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi, đối tượng sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ); tiến độ kê khai, báo cáo, lập phương án xử lý, phê duyệt phương án xử lý. Kết quả rà soát gửi Bộ Tài chính trước ngày 15/6.
Trên cơ sở kết quả rà soát, các bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý (nếu còn các cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi, đối tượng sắp xếp lại nhưng chưa được phê duyệt phương án xử lý), xác định cụ thể tiến độ (thời gian) thực hiện từng khâu như: lập báo cáo kê khai và đề xuất phương án; tổng hợp báo cáo kê khai và phương án đề xuất; kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà, đất; lấy ý kiến của các cơ quan, địa phương có liên quan; lập phương án xử lý; phê duyệt phương án xử lý... và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, cá nhân có liên quan.
"Đối với các bộ, ngành, địa phương còn nhiều cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt phương án xử lý, cần tổ chức các đoàn công tác để trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, đảm bảo đến hết năm 2023, cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án xử lý nhà, đất", Bộ Tài chính đề nghị.
Bên cạnh đó, căn cứ kế hoạch sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành, thủ trưởng các cơ quan chức năng, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quản lý, sử dụng nhà, đất và cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được phân công, bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương thực hiện sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý trên địa bàn, đặc biệt là việc kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà, đất, có ý kiến về phương án xử lý nhà, đất, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền của địa phương theo phân cấp của Chính phủ và quy định của pháp luật, bảo đảm thời hạn theo quy định.
Đồng thời, kịp thời cung cấp các thông tin về quy hoạch và các thông tin khác thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của địa phương để phục vụ việc lập, phê duyệt phương án xử lý và tổ chức xử lý nhà, đất.