Thông tin về tình hình lao động, việc làm đầu năm 2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội ghi nhận tín hiệu tích cực, khi số lao động được tạo việc làm tăng nhẹ.
ĐỒNG BỘ TẠO VIỆC LÀM, GIẢI QUYẾT CÁC CHẾ ĐỘ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Riêng trong tháng 2, thành phố đã giải quyết việc làm cho 12.715 lao động. Trong đó, hơn 3.000 lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, với số tiền là 195,5 tỷ đồng. Số người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm là trên 1.000 lao động.
Ngoài ra, hơn 8.000 lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, số lao động được tạo việc làm trong tháng này giảm 1.380 lao động, tương đương giảm 9,7% (tháng 2/2023, giải quyết việc làm cho 14.095 lao động).
Như vậy, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, toàn Thành phố Hà Nội giải quyết việc làm cho 28.262 lao động, đạt 17,4% kế hoạch năm (năm 2024 phấn đấu giải quyết việc làm cho 165.000 lao động), tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 2, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 15 phiên giao dịch việc làm với 464 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 9.977 người; tổng số lao động được phỏng vấn là 3.149 lao động; số lao động được tuyển dụng tại phiên là 1.003 lao động. 2 tháng đầu năm, tổ chức 35 phiên giao dịch việc làm với 1.097 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; số lao động được tuyển dụng tại phiên 2.293 lao động.
Thành phố cũng thông báo 97 lượt công ty được chấp thuận tuyển dụng lao động là người nước ngoài. Cấp mới 350 giấy phép; cấp lại 105 giấy phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; xác nhận 64 trường hợp người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Tính cả 2 tháng, thông báo 195 lượt công ty được chấp thuận tuyển dụng lao động là người nước ngoài. Cấp mới 495 giấy phép; cấp lại 146 giấy phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; xác nhận 93 trường hợp người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Bên cạnh hoạt động tạo việc làm, công tác giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Trong tháng 2, thành phố đã tiếp nhận, ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 4.757 người, với số tiền được hỗ trợ là 161,9 tỷ đồng; tư vấn giới thiệu việc làm cho 3.859 người; hỗ trợ học nghề cho 55 người, số tiền hỗ trợ học nghề là 230,2 triệu đồng.
Đến hết tháng 2, toàn thành phố đã ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 9.991 người, số tiền được hỗ trợ 315 tỷ đồng; tư vấn giới thiệu việc làm cho 8.991 người; hỗ trợ học nghề cho 109 người, số tiền hỗ trợ học nghề là 437,2 triệu đồng.
THỰC HIỆN NHIỀU GIẢI PHÁP KẾT NỐI CUNG - CẦU LAO ĐỘNG
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, những tháng đầu năm 2024, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, địa phương trên địa bàn theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, nắm bắt kịp thời tình hình lao động, việc làm sau kỳ nghỉ Tết tại các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp để có giải pháp thu hút lao động quay trở lại làm việc; hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động cục bộ, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố ổn định, không xảy ra đình công, ngừng việc tập thể.
Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn đã quay trở lại hoạt động bình thường, và tích cực tuyển dụng thêm lao động.
Để ổn định, phát triển thị trường lao động trên địa bàn, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, thành phố sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, chú trọng tăng kết nối cung – cầu lao động.
Đồng thời, có rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, tổ chức đào tạo phát triển kỹ năng lao động, và cung ứng kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trong năm nay, thành phố dự kiến tổ chức 230 phiên giao dịch việc làm, bao gồm các phiên giao dịch việc làm hàng ngày, online, chuyên đề, phiên lưu động và tuyển dụng 20.000 lao động qua các phiên giao dịch việc làm.
Hoạt động kết nối việc làm với các địa phương cũng được đẩy mạnh hơn. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, thông qua phiên giao dịch việc làm kết nối giữa các tỉnh, thành phố, các trung tâm dịch vụ việc làm cũng có sự liên thông, chia sẻ dữ liệu.
Nhờ đó, thị trường lao động các địa phương sẽ gần nhau hơn. Việc này hỗ trợ doanh nghiệp khi có nhiều nguồn tuyển lao động, cũng như người lao động sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp hơn.
Theo ông Thành, hiện tại, hạ tầng giao thông kết nối cũng như phương tiện di chuyển giữa các địa phương rất thuận lợi, còn doanh nghiệp cũng có những chế độ an sinh tốt để thu hút, giữ chân người lao động. Những yếu tố này cho phép người lao động có thể đi làm tại nhiều địa bàn khác nhau.