Tháng trước, khi Grab Holdings công bố quý đầu tiên có lãi. Đây lẽ ra là một dấu hiệu cho sự hồi sinh của công ty dịch vụ gọi xe lớn nhất Đông Nam Á.
Lợi nhuận 11 triệu USD trong quý cuối năm 2023 là một dấu mốc lớn, bởi đây là lần đầu tiên Grab có lãi kể từ khi ra đời hơn 10 năm trước. Đây là cũng là một con số đáng kể so với khoản lỗ 391 triệu USD cùng kỳ năm trước đó.
Ông Anthony Tan, người sáng lập Grab năm 2012, cho biết 2023 là năm có ý nghĩa “then chốt” đối với công ty có trụ sở tại Singapore.
“Chúng tôi đã đặt ra nhiều mục tiêu lớn và đã đạt được những mục tiêu quan trọng”, ông Tan, cũng là CEO của Grab, chia sẻ với các nhà phân tích khi công bố kết quả kinh doanh quý 4/2023 hôm 22/2.
Tuy nhiên, theo Nikkei Asia, tin tốt này không làm hài lòng các nhà đầu tư. Cổ phiếu Grab tiếp tục bị bán tháo và giảm giá 8% khi đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm đó. Điều cho thấy sự u ám của “mùa đông gọi vốn” tại Đông Nam Á, nơi nhà đầu tư đã mất niềm tin vào thị trường gọi vốn mạo hiểm công nghệ.
SẼ KHÔNG CÓ BONG BÓNG ĐẦU TƯ MẠO HIỂM LỚN TRONG VÒNG VÀI THẬP KỶ TỚI
Kể từ khi niêm yết cổ phiếu hơn 2 năm trước, giá cổ phiếu Grab đã giảm hơn 70%. Chung cảnh ngộ, GoTo - đối thủ Indonesia của Grab - và công ty thương mại điện tử Bukalapak cũng chứng khiến giá cổ phiếu “bay” khoảng 80% kể từ khi niêm yết. Đà giảm vẫn đang tiếp tục trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại rằng nhiều công ty công nghệ khác ở Đông Nam Á cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.
“Sẽ mất 10 năm hoặc lâu hơn giá cổ phiếu của các startup niêm yết ở Đông Nam Á mới có thể phục hồi”, ông Takeshi Ebihara của công ty đầu tư mạo hiểm Rebright Partners có trụ sở tại Singapore, nhận định. “Các nhà đầu tư và chính các công ty này phải chấp nhận rằng họ đã phát triển trong một bong bóng hiếm thấy và chúng ta sẽ không chứng kiến một bong bóng tương tự như vậy trong vài thập kỷ nữa”.
Lãi suất tăng cao tại Mỹ là nguyên nhân lớn nhất cho sự thoái trào của "cơn sốt" startup công nghệ. Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là thị trường startup ở Đông Nam Á có mối liên hệ mật thiết với một tổ chức – đó là tập đoàn công nghệ SoftBank của Nhật. SoftBank đã tìm kiếm khắp khu vực này và đưa một loạt startup công nghệ như Grab, Tokopedia (công ty con của GoTo) từ số 0 trở thành những doanh nghiệp tỷ đô.
Khi Vision Fund, quỹ đầu tư công nghệ 100 tỷ USD của SoftBank sụp đổ hai năm trước, nhiều startup hàng đầu Đông Nam Á rơi vào khủng hoảng với tương lai mù mịt.
Theo công ty cung cấp dữ liệu đầu tư Prequin, tính tới ngày 18/3, đầu tư vào các startup khu vực này giảm xuống còn khoảng 800 triệu USD, trở về mức của năm 2017 khi Vision Fund được thành lập.
Vì khó huy động thêm vốn, các startup buộc phải đóng cửa, sáp nhập và chấp nhận mức định giá thấp hơn trong các vòng gọi vốn sau – theo cảnh báo của ông Prantik Mazumdar, một nhà đầu tư thiên thần và cũng là chủ tịch cộng đồng doanh nhân TiE Singapore.
Trong bối cảnh sự phủ sóng của các dịch vụ ngân hàng còn hạn chế, nhiều hoạt động trong đời sống ở Đông Nam Á - từ mua sắm trực tuyến, đi lại cho tới chuyển tiền - thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua nhờ những startup này. Về phía startup, mục tiêu tăng trưởng được đặt lên trên lợi nhuận. Mục tiêu cao nhất là thu hút người dùng, thông qua việc liên tiếp khuyến mại, giảm giá.
Tuy nhiên, khi những công ty này cạn tiền và thị trường bắt đầu bão hòa, người dùng bắt đầu cảm thấy bị bóp nghẹt bởi các dịch vụ từ gọi xe cho tới giao hàng bắt đầu tăng phí. Nếu thị trường startup tiếp tục hợp nhất, người dùng Đông Nam Á có thể sẽ không còn nhiều lựa chọn để sử dụng các dịch vụ số không thể thiếu này.
KỲ LÂN VÀ NHỮNG QUẢ TRỨNG VÀNG
Đã gần 10 năm trôi qua kể từ khi Masayoshi Son, người sáng lập kiêm CEO tập đoàn SoftBank, bắt đầu rót những khoản đầu tư khổng lồ vào các startup non trẻ trên khắp thế giới, góp phần tạo ra cơn sốt khởi nghiệp.
Tham vọng nhanh chóng đưa ông Son tới thị trường Đông Nam Á, biến những công ty như Grab trở thành “con cưng” của các các nhà đầu tư mạo hiểm. Năm 2017, quỹ Vision Fund, “cỗ máy” đầu tư lớn nhất của ông Son, được thành lập và bắt đầu rót vốn mạnh tại khu vực này.
Tuy nhiên, lợi nhuận từ đầu tư của Vision Fund nhanh chóng đi xuống, buộc quỹ này phải thu hẹp quy mô đầu tư vào khoảng năm 2022, trong bối cảnh các nhà đầu tư công nghệ toàn cầu chứng kiến cơn bán tháo cổ phiếu công nghệ.
Theo một báo cáo của công ty kiểm toán KPMG đầu năm nay, đầu tư mạo hiểm toàn cầu đã giảm mạnh sau năm 2021, với tổng giá trị các thương vụ đầu tư trong quý 4/2023 là 74,9 tỷ USD, giảm 64% so với giai đoạn cao điểm cùng kỳ năm 2021.
Điều này đẩy cả thị trường rơi vào khủng hoảng và chỉ những công ty mạnh nhất và ít phụ thuộc vào bên ngoài nhất mới có thể trụ vững. Các startup trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi “mùa đông gọi vốn” khi không còn dễ dàng gọi vốn như trước, trong đó startup công nghệ Đông Nam Á là nạn nhân lớn nhất.
"Startup ở Đông Nam Á phụ thuộc lớn vào các dịch vụ tiêu dùng. Không giống các startup ở Mỹ hay Israel với công nghệ mới, các startup ở khu vực này có ít hoặc không có công nghệ mới để khác biệt so với các đối thủ. Điều này đã dẫn đến một cuộc đua gọi vốn bởi các startup đặt mục tiêu tăng trưởng lên trên hết”, ông Ebihara của công ty Rebright, chỉ ra.
“Ông Son biết rõ điều này hơn ai hết và đây chính xác là lý do ông bơm nhiều tiền hơn so với yêu cầu của các công ty. Nhưng ngay khi nền kinh tế và thị trường cổ phiếu xoay chiều 180 độ, các startup đó không thể tồn tại trên đường đua. Điều này đặc biệt dễ thấy ở Đông Nam Á”, ông Ebihara nói thêm.
"Vào đầu những năm 2010 và trước đó, không nhiều nhà đầu tư trên thế giới nhìn nhận tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đông Nam Á”, ông Yinglan Tan, CEO công ty đầu tư Insignia Ventures Partners tại Singapore, nhận định. “Khi đó, các startup ở giai đoạn sơ khai không nhận được nhiều đầu tư, còn những startup ở giai đoạn tăng trưởng – khi cơ sở khách hàng và doanh thu bắt đầu tăng – cũng không được rót vốn đầy đủ. Một phần nguyên nhân là thị trường khi đó không có nhiều nhà đầu tư có khả năng chi nhiều tiền”.
Theo ông Chua Kee Lock, CEO của Vertex Holdings – một trong những nhà đầu tư sớm của Grab, nhờ có Vision Fund, thế giới nhận ra đây thực sự là một thị trường lớn với 600 triệu dân.
Thị trường gọi vốn khởi nghiệp Đông Nam Á đạt đỉnh vào năm 2021, khi giá trị các thương vụ đầu tư tăng gấp hơn 20 lần so với năm 2014, năm SoftBank Group rót khoản đầu tư đầu tiên vào Tokopedia và Grab. Trước khi SoftBank xuất hiện, các nhà đầu tư mạo hiểm hầu như không xem Đông Nam Á là một thị trường tiềm năng.
Với xu hướng chuyển đổi số nhanh chóng nhờ sự phổ cập điện thoại thông minh và dân số trẻ, cộng với “bàn tay vàng” của ông Son, khu vực này đột nhiên thu hút sự chú ý toàn cầu. Theo đó, nhà đầu tư khắp thế giới bắt đầu rót vốn mạnh tay vào các startup tại đây.
Để chạy đua với SoftBank, các nhà đầu tư lớn phương Tây như Sequoia Capital và Tiger Global Management đầu tư mạnh vào các startup Đông Nam Á. Còn những nhà đầu tư thường đứng ngoài thị trường đầu tư mạo hiểm như Temasek Holdings hay GIC bắt đầu phân bổ tiền vào các công ty công nghệ tăng trưởng nhanh. Những ông lớn công nghệ như Alphabet và Microsoft của Mỹ hay Alibaba và Tencent của Trung Quốc cũng không đứng ngoài cuộc.
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu CB Insights, năm 2021 Singapore có thêm 11 “kỳ lân” (startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên). Nhiều “kỳ lân” cũng xuất hiện ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
TỰ BƠI HOẶC CHẾT CHÌM
Nhờ những khoản đầu tư khổng lồ nói trên, các startup tập trung vào hoạt động kinh doanh mà không phải lo lắng về lợi nhuận.
“Khi huy động được 100 triệu USD, họ sẽ dùng 40% vào quảng cáo trên các nền tảng như Facebook và Google để thu hút người dùng mới”, ông Mazumdar của TiE Singapore cho biết. “Tuy nhiên, thay vì tập trung vào doanh thu thông qua quảng cáo và khuyến mại, lẽ ra họ nên tập trung vào ‘doanh thu chất lượng’ dựa trên tăng trưởng tự thân”.
Còn theo ông Ebihara của Rebright Partners, SoftBank Group đã thổi bùng “siêu lạm phát” tại các công ty công nghệ thậm chí trong nhiều năm trước khi đại dịch Covid-19 ập đến, theo đó thổi phồng giá trị của loạt startup non trẻ và chưa sinh lời.
Tuy nhiên, danh mục đầu tư của Vision Fund bắt đầu lỗ nặng khi thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc. Quỹ này lỗ ròng 1,7 nghìn tỷ yên (14,3 tỷ USD) trong năm tài khóa 2021. Giá cổ phiếu của các công ty niêm yết trong danh mục của Vision Fund như Grab, cũng sụt mạnh. Tháng 8/2022, SoftBank Group báo lỗ ròng kỷ lục 3,16 nghìn tỷ yên trong quý 2 cùng năm.
Giờ đây, khi không thể sinh lời để làm hài lòng nhà đầu tư, áp lực ngày càng lớn buộc các startup công nghệ Đông Nam Á phải tái cấu trúc hoặc hợp nhất.
Nhiều nhà đầu tư và nhà phân tích tin rằng thị trường startup Đông Nam Á sẽ phục hồi nhưng trong ít nhất 3-5 năm tới. Các startup mới sẽ ưu tiên tăng trưởng bền vững thay vì tăng trưởng “nóng” như trong thập kỷ qua.
Quỹ Vision Fund 1 hiện đã đầu tư hết vốn, còn Vision Fund 2, được thành lập chủ yếu với nguồn vốn từ SoftBank, đang tích cực tìm kiếm các cơ hội mới. Tuy nhiên, chiến lược đầu tư của quỹ này đã thay đổi theo hướng “chọn lọc hơn”.