December 04, 2013 | 08:06 GMT+7

“Hiến định vai trò doanh nhân là thông điệp chính trị quan trọng”

Anh Minh

Chủ tịch VCCI nói cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang trông chờ vào những chương trình có tính đột phá hơn

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc, nói việc Quốc hội hiến định vai trò của doanh nhân là “một thông điệp chính trị quan trọng”

“Việc Quốc hội vừa thông qua Hiến pháp sửa đổi, trong đó lần đầu tiên trong lịch sử đã hiến định vai trò và vị trí của doanh nhân, chính là thông điệp chính trị quan trọng của Nhà nước về việc khuyến khích,tạo điều kiện thuận lợi và bảo hộ hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nhân, doanh nghiệp và khu vực tư nhân. Đây cũng là sự khẳng định mạnh mẽ việc phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam”, ông Lộc phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức hôm 3/12 tại Hà Nội.

Người đứng đầu VCCI cũng cho rằng về tình hình kinh tế cả năm 2013 vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam “ghi nhận những nỗ lực lớn lao của Chính phủ trong việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát”, đồng thời lãi suất đã giảm được đáng kể trong thời gian qua và đã có một số doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.

“Đây được đánh giá là một kết quả hết sức quan trọng từ công tác điều hành của Chính phủ và dần mang lại niềm tin cho doanh nghiệp. Các nhà đầu tư cũng cảm thấy được khích lệ trước những nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, trong việc đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế đa phương và song phương quan trọng cũng như sự kiên định của Chính phủ trong việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các vật tư, hàng hóa cơ bản theo cơ chế thị trường đồng thời có chính sách hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng khó khăn”, ông Lộc nói.

Tuy vậy, năm 2013 vừa qua tiếp tục là một năm vất vả với cộng đồng doanh nghiệp khi số lượng doanh nghiệp đóng cửa, giải thể vẫn còn cao; những doanh nghiệp đang hoạt động cũng rất khó khăn, các chỉ tiêu về hiệu quả và triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp đều đáng lo ngại.

Trong khi đó, nỗ lực của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua như “giải cứu”, “giãn giảm thuế”… dù có những tác động nhất định nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng họ chưa thực sự được hưởng lợi.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp phản ánh, tại nhiều địa phương, để đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách đã có tình trạng các cơ quan Nhà nước tìm mọi cách “tận thu” và tăng nhanh các loại thuế, phí, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng rất khó khăn. Trên thực tế, vẫn còn tình trạng ban hành và áp dụng quy định, chính sách chưa thống nhất, gây thiệt hại và bức xúc cho nhiều doanh nghiệp.

Vẫn theo ông Lộc, cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục phiền hà, giảm chi phí tuân thủ dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng chưa có đột phá lớn. Cộng đồng doanh nghiệp đang rất cần những hành động cụ thể, những cải cách có tính thực tiễn hơn của các cơ quan chính quyền.

Để nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian tới, VCCI đề xuất hai nhóm giải pháp lớn bao gồm đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp nhà nước và xây dựng chương trình cải thiện môi trường đầu tư.

“Chính phủ Việt Nam đã tiến được một bước khá dài trong việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang trông chờ vào những chương trình có tính đột phá hơn, những hành động cụ thể và thiết thực hơn”, ông nhấn mạnh.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate