Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, sắp tới, điều kiện được thuê nhà ở xã hội chỉ tính thu nhập từ tiền lương, tiền công chứ không phải tổng thu nhập như hiện nay. Đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội thì quy định chưa có nhà ở hoặc diện tích trung bình dưới 10m2/người. Như vậy, dự thảo cắt giảm nhiều thủ tục về khâu xác định đối tượng thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
NHÀ Ở XÃ HỘI CŨNG CẦN ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG
Chia sẻ tại hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội" do Báo Người lao động tổ chức ngày 28/3/2023, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng cần thay đổi quan điểm phát triển nhà ở xã hội để lo chỗ ở cho người nghèo, người thu nhu nhập thấp để có chỗ ở với giá thấp.
Theo đó, ưu tiên hơn về đất đai, vốn để lo chỗ ở cho người nghèo và hướng tới chính sách cho thuê. Nhà nước quản lý đất công, vốn và cần sử dụng nguồn lực này để làm nhà cho người thu nhập thấp thuê. Trong triển khai cần có chính sách tốt trong xây dựng để đảm bảo chất lượng công trình.
Cho rằng phát triển nhà ở xã hội là chủ trương chung của Chính phủ nhưng mỗi địa phương khác nhau. Theo ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, khi người lao động đến Bình Dương làm việc, UBND tỉnh xem đây là cơ hội cũng là thách thức cho địa phương. UBND tỉnh đã làm việc với Becamex để phát triển nhà ở xã hội gắn liền hệ sinh thái như y tế, giáo dục, giao thông… Người lao động phải có được tất cả tiện ích xã hội như bao người dân khác. Nếu đưa đi xa, đi lại khó khăn, người lao động thu nhập khó thì lại càng khó. Nhà ở xã hội gắn với hệ sinh thái, không thể tách rời.
Về mặt tổng quan, nhà ở xã hội là một sản phẩm nhà ở, nhà nước phải đóng vai trò để nhà ở xã hội có giá phù hợp, không phải ban, tặng, cho… Nhà ở xã hội cần các chính sách phù hợp nhất, tùy thu nhập từng địa phương.
Tất cả doanh nghiệp đều mong muốn đóng góp cho phát triển nhà ở xã hội nhưng gặp nhiều vướng mắc về vấn đề pháp lý, nguồn vốn… Vì thế, các gói kích cầu chính phủ phải giải quyết được nguồn vốn. Các quỹ vay phải có chính sách hỗ trợ người lao động cụ thể hơn, vay dài hạn 25-35 năm mới tiếp cận được nhà ở xã hội.
Theo quan điểm của TS Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội không thể áp dụng cho tất cả địa phương giống nhau, phải có sự khác biệt, rõ ràng. Các mô hình nhà ở cho thuê hay bán cũng phải khác nhau.
Bên cạnh đó, phải huy động vai trò đóng góp của doanh nghiệp, các tập đoàn chăm lo cho người lao động, chẳng hạn các tập đoàn cam kết với Chính phủ như Vingroup, Sungroup…
Về loại hình thuê, mua, cơ cấu sản phẩm phải được quan tâm. Thuê, mua phải đạt 50% cơ cấu… Như TP.HCM có 35.000 căn, thuê 7.000 căn là quá thấp. Người lao động, người dân nếu họ giàu có, khá giả hơn thì chuyển từ thuê sang mua hoặc chuyển đi mua nơi khác. Về vai trò Nhà nước, đầu tư nhà ở sử dụng cho nhiều người.
Phải có hệ sinh thái xây nhà ở cho người thu nhập thấp. Ngoài nhà ở còn phải có y tế, giáo dục, xã hội… các yếu tố này quyết định người lao động có đến ở hay đầu tư không.
Liên quan gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Ngân hàng nhà nước, theo ông Hiến, đây là chính sách đảm bảo nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp, cho công nhân. Tín dụng cho họ phải là tín dụng xã hội, không giống tín dụng thương mại, lãi suất cao… phải là lãi suất thấp, thời gian ổn định.
Thông tin về nguồn vốn cho vay đối với người thu nhập thấp để mua nhà ở xã hội, ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (đơn vị được giao tổng số 15.000 tỷ đồng để cho vay chương trình nhà ở xã hội bằng nguồn vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, và số vốn còn lại để cho vay trong năm 2023 là gần 11.000 tỷ đồng) cho biết đến nay, theo danh sách các địa phương gửi về thì nhu cầu vốn chỉ hơn 4.300 tỷ đồng, như vậy còn gần 7.000 tỷ đồng.
Tại sao nhu cầu vay cao nhưng tình trạng "ế" vốn lại xảy ra? Theo ông Thuận có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn khan hiếm.
Thứ hai, nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay vốn (chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện việc xây dựng mới nhà để ở, đối tượng thuộc diện có phát sinh nộp thuế thu nhập cá nhân…).
Thứ ba, một số dự án nhà ở xã hội chủ đầu tư đã thế chấp để vay vốn ngân hàng thương mại thực hiện dự án, khi bán cho người mua nhà chưa giải chấp nên khi các hộ này làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng Chính sách không thực hiện được việc đăng ký giao dịch bảo đảm, không đáp ứng được điều kiện về bảo đảm tiền vay để được giải ngân.
CẦN QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM VỀ XÂY NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, để tạo điều kiện đầu tư phát triển nhà ở xã hội trong thời gian sắp tới, Nhà nước không chỉ dừng lại ở việc áp dụng các chính sách hỗ trợ tích cực được đề cập trong dự thảo Luật Nhà ở (sử đổi) mà nên suy xét, xây dựng thêm những nội dung khác về mức vốn cho vay cũng như thời hạn cho vay theo hướng có lợi hơn cho người hưởng chính sách hỗ trợ.
Các gói tài chính nên được kéo dài hơn, tối đa 20 năm hoặc 25 năm, với các mức hỗ trợ tối đa 80% hoặc 85% giá trị hợp đồng, bởi nếu chờ tích lũy đủ tiền để mua, thuê mua nhà ở xã hội với mức giá như hiện nay thì người có thu nhập thấp gần như không có cơ hội, trong khi đây lại là đối tượng chính cần được hưởng các chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan chính quyền.
Về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, Điều 74 dự thảo Luật quy định hộ gia đình nghèo và cận nghèo ở khu vực nông thôn là một trong các đối tượng đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ.
Tuy nhiên, đối với vùng nông thôn thì không nên dựa vào tiêu chí hộ nghèo hay hộ cận nghèo mà phải tính theo tỷ lệ thu nhập trên giá nhà ở trung bình, như thế sẽ tạo điều kiện cho việc áp dụng phương thức tính mức giảm thuế thu nhập cá nhân, tăng tính bỗ trợ của các quy định và tạo điều kiện cho người dân nhận được nhiều lợi ích hơn.
Luật sư Hậu cho biết ở các nước công nghiệp có quy định về chính sách "đầu tư có trách nhiệm". Do đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng nên có quy định cụ thể trách nhiệm đối với việc xây dựng nhà ở cho công nhân.
Cần phải thể hiện cụ thể về trách nhiệm của từng cá nhân, từng bộ phận, đơn vị nào có nhiệm vụ lo tài chính, đơn vị nào đóng vai trò là chủ đầu tư, đơn vị nào tìm kiếm và tiếp cận đất đai. Việc quy định rõ cụ thể từng trách nhiệm sẽ hạn chế tình trạng đùn đẩy dẫn đến không ai thực hiện.