August 23, 2024 | 14:41 GMT+7

Hiện thực hóa nhà ở xã hội “xanh”, khơi thông nguồn vốn

Hồng Vinh -

Thời gian qua, nhiều chính sách của Nhà nước trong triển khai xây dựng nhà ở xã hội, giải pháp nguồn vốn, tín dụng xanh, tiêu chuẩn, mô hình giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tiết kiệm năng lượng… luôn được quan tâm…

Các diễn giả tại hội thảo “Hiện thực hóa nhà ở xã hội xanh”
Các diễn giả tại hội thảo “Hiện thực hóa nhà ở xã hội xanh”

Hiện tại, ngày càng có nhiều doanh nghiệngp tham gia phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ cũng đang đốc thúc các bộ, ngành, địa phương thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

NHÀ Ở XÃ HỘI “XANH”, CHI PHÍ VỪA PHẢI

Tại hội thảo “Hiện thực hóa nhà ở xã hội xanh” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 22/8, nhiều doanh nghiệp phản ánh việc xây dựng nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn. Việc phát triển dự án nhà ở xã hội đã khó vì cần giá rẻ kết hợp thêm những tiêu chí “xanh”, thân thiện môi trường… làm phát sinh chi phí, khó đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Xi măng Fico Tây Ninh ông Nguyễn Công Bảo cho biết việc lựa chọn tiêu chí “xanh” và vật liệu xây dựng phù hợp là một trong những cách giúp công trình “xanh” nói chung và nhà ở xã hội “xanh” nói riêng có thể đạt được mục tiêu không phát sinh chi phí.

Ông Bảo nêu lý do chủ đầu tư dự án không khó tìm những sản phẩm, vật liệu xây dựng “xanh” với mức giá cạnh tranh, không tăng chi phí. Chẳng hạn, bê tông có hàm lượng tái chế từ xỉ lò cao hoặc tro bay từ 25-30%; hay với thép được sản xuất từ công nghệ lò cao hoặc điện hồ quang – sử dụng thép tái chế và giảm phát thải CO2. Riêng với xi măng nhãn xanh của Fico Tây Ninh, phát thải của sản phẩm chỉ trong khoảng từ 350-600 kg CO2/tấn, ít hơn từ 30-70% so với xi măng Portland được sử dụng phổ biến trên thế giới.

“Cùng một giá, cùng một chất lượng nhưng chúng ta có thể lựa chọn sản phẩm mà đơn vị tư vấn tính toán lượng phát thải ít hơn, mang lại hiệu quả hơn cho công trình”, ông Bảo chia sẻ.

Đồng quan điểm này, Giám đốc điều hành ARDOR Green ông Vũ Linh Quang cho rằng thực tế có vô vàn tiêu chuẩn “xanh” mà nhà đầu tư có thể tự nguyện lựa chọn. Ở đó, mỗi cấp chứng chỉ sẽ có những yêu cầu khác nhau, chắc chắn sẽ có một mức tăng chi phí nào đó nhưng rất nhỏ so với giá trị mà chủ đầu tư mang lại cho cư dân. Đồng thời, có thể hạn chế mức tăng nhờ vào sự chủ động ngay từ đầu của các doanh nghiệp trong việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật như thiết kế đến thi công, tăng cường mảng xanh, không gian sống…

Đại diện ARDOR Green cũng khuyến nghị hiện tại, tiêu chuẩn Edge khá phù hợp cho nhà ở xã hội trong việc tăng hiệu quả năng lượng, nước, vật liệu. 

GIẢI BÀI TOÁN LÃI SUẤT ĐẦU RA

Tại hội thảo, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho biết: Từ năm 2015, vốn vay ưu đãi nhà ở xã hội thông qua ngân hàng chính sách xã hội là 4,8%/năm. Tuy nhiên, với quy định mới áp dụng từ ngày 1/8/2024, lãi suất của khách hàng cá nhân điều chỉnh bằng lãi suất vay sản xuất của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cụ thể, lãi suất 6,6% là mức vay sản xuất của hộ nghèo, hộ cận nghèo đã thể hiện sự ưu đãi của Nhà nước.

Chia sẻ kinh nghiệm từ các dự án đã thực hiện, ông Trần Đăng Toàn, Phó Tổng giám đốc phát triển dự án Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh cho rằng vấn đề chi phí đầu vào cho dự án nhà ở xã hội đơn thuần và nhà ở xã hội “xanh” nằm ở việc hoạch định pháp lý và tín dụng đầu ra cho khách hàng.

“Trong đó, yếu tố tín dụng đầu ra là quan trọng nhất. Tuy nhiên, hiện nay khách hàng đang vướng vấn đề tài chính khi lãi suất ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội đã tăng từ 4,8% lên 6,6%”, ông Toàn chia sẻ.

Nói về khơi thông nguồn vốn cho phân khúc nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng việc xây dựng nhà ở xã hội theo tiêu chuẩn xanh được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm và cũng là xu hướng tất yếu. Đồng thời, các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào nhà ở xã hội cũng phải đảm bảo các tiêu chí xanh để đáp ứng được điều kiện vay vốn.

Ngoài ra, để hài hòa giữa mục tiêu của Chính phủ về Đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, vừa tiếp tục tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội xanh, cần nhiều hơn các chính sách hỗ trợ về chính sách lãi suất, khả năng tiếp cận các gói tín dụng,…

Hiện, Luật Nhà ở 2023 và nghị định 100 đã nới các điều kiện về thu nhập, trong đó vợ chồng có tổng thu nhập hàng tháng không quá 30 triệu đồng sẽ được mua nhà ở xã hội. Chính sách này sẽ giúp mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội.

Thêm vào đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho chương trình nhà ở xã hội từ 4 ngân hàng thương mại nhà nước (nhóm Big 4: Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank). Trong đó, lãi suất cho vay hiện nay áp dụng đối với người mua nhà là 6,5%/năm, chủ đầu tư là 7%/năm. Mức lãi suất này đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm mạnh so với thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện chương trình, giảm 1,7%/năm (lãi suất ban đầu đối với người mua nhà là 8,2%/năm; chủ đầu tư là 8,7%/năm).

Theo ông Lệnh, điều quan trọng là cần tiếp tục duy trì mức lãi suất cho vay thấp, thời gian cho vay dài và tăng tốc làm nhà ở xã hội để có thêm nhiều nguồn cung cho người dân mua được nhà.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate