Chỉ còn hai tháng nữa, vào ngày 25/2/2009, dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ được vận hành thương mại.
Vấn đề được nhiều người quan tâm là hiệu quả kinh tế của dự án lọc dầu
đầu tiên của Việt Nam với tổng vốn đầu tư 2,5 tỉ Đô la Mỹ sẽ ra sao
trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh.
Báo giới đã trao đổi với ông Đinh Văn Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty
TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị sẽ quản lý vận hành
nhà máy, xung quanh vấn đề này.
Dường như một số công đoạn xây dựng nhà máy đang gặp khó khăn do điều kiện thời tiết?
Từ tháng 11 đến tháng 3 hàng năm tại Dung Quất thời tiết không thuận
lợi cho việc thi công trên công trường và trên biển do sóng lớn, có lúc
giật cấp 6, 7, biển động mạnh. Vì vậy chúng tôi và nhà thầu phải phối
hợp chặt chẽ hơn, lập kế hoạch chi tiết hơn.
Đến giữa tháng 12/2008, tiến độ xây lắp của dự án đạt 97,98% và tiến độ
công tác chạy thử đạt 45% và tôi tin đến ngày 25/2/2009, nhà máy sẽ sản
xuất ra các sản phẩm xăng dầu thương mại đầu tiên của Việt Nam.
Nguồn nguyên liệu cho nhà máy đã nhập đủ chưa, thưa ông?
Sắp tới sẽ nhập 600 tấn LPG (khí hóa lỏng) đầu tiên và một phần sẽ dùng
để đốt đuốc cho nhà máy. Ngọn đuốc này cao 115 mét và đối với các nhà
máy lọc dầu thì khởi động đốt đuốc là thời điểm rất quan trọng sau mốc
nhập dầu thô, khẳng định rằng nhà máy đã hoàn thiện về cơ khí và chuyển
sang giai đoạn sẵn sàng nhập hydrocacbon, tiếp nhận nguyên liệu để chế
biến.
Hiện chúng tôi đã chứa gần đầy hai bể chứa dầu thô (80.000 tấn) sau đợt
nhập đầu tiên ngày 5/12 vừa qua. Lượng dầu đó phục vụ cho giai đoạn
chạy thử nghiệm thu và nhà máy sẽ nhập lô dầu thô thứ hai, khoảng
600.000 thùng vào cuối tháng 1 hoặc tuần đầu của tháng 2/2009, như vậy
tháng 2 và 3/2009 sẽ có đủ nguồn dầu thô cho nhà máy.
Trước mắt, nguồn nguyên liệu cho nhà máy lọc dầu do mỏ Bạch Hổ cung cấp
nhưng mỏ này đang cạn dần, vậy đâu là nguồn nguyên liệu lâu dài cho nhà
máy?
Khả năng cung cấp dầu thô của mỏ Bạch Hổ cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
đến đâu và kéo dài trong bao lâu đã được công ty lên kế hoạch.
Ngoài mỏ Bạch Hổ, Việt Nam còn nhiều nguồn dầu khác đang được đưa vào
khai thác như các mỏ Cá Ngừ Vàng, Rạng Đông, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng...
và năm nay đã đưa vào khai thác bốn mỏ mới. Nhà máy có thể trộn các
loại dầu ngọt khác của Việt Nam với dầu Bạch Hổ để đảm bảo cung cấp dầu
thô trong trung hạn.
Về dài hạn, chúng tôi đang đàm phán với các nhà cung cấp dầu thô như
BP, Shell... về hợp đồng mua dầu dài hạn từ nước ngoài để pha trộn với
dầu Bạch Hổ và dầu ngọt Việt Nam và cung cấp lâu dài cho nhà máy.
Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) đã đồng ý về
nguyên tắc cho phép Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn nghiên cứu sơ bộ và đề
xuất phương án nâng cấp nhà máy, trong đó có việc chế biến dầu hỗn hợp.
Hầu hết các phân xưởng của nhà máy được thiết kế để chế biến dầu hỗn
hợp, tức là pha trộn giữa dầu ngọt và dầu chua theo tỷ lệ nhất định.
Sau này một lượng đáng kể dầu chua sẽ được nhập từ Dubai, Kuwait, Saudi
Arabia... để đảm bảo nguồn cung lâu dài.
Vậy thì dự kiến năm 2009 nhà máy có thể đáp ứng nhu cầu xăng dầu nội địa đến đâu?
Nhà máy vận hành liên tục theo công suất và dự kiến trong năm 2009 sẽ
đạt khoảng 60-65% công suất thiết kế, tức là sẽ đưa vào chế biến khoảng
4 triệu tấn dầu thô.
Thời điểm 25/2/2009 khi nhà máy vận hành thương mại thì công suất sẽ ở
mức tối thiểu, khoảng 50% và từ tháng 8 đến cuối năm 2009 dự tính có
khả năng nâng công suất nhà máy lên 100%.
Với công suất nguyên liệu chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, sẽ đưa ra
thị trường 6,3 triệu tấn sản phẩm/năm, bao gồm chín loại sản phẩm.
Nhà máy được thiết kế theo nhiều chế độ vận hành linh hoạt, nếu thị
trường cần nhiều dầu diesel và chế biến dầu diesel hiệu quả kinh tế cao
hơn thì chúng tôi sẽ tối đa hóa sản xuất loại dầu này. Nếu nhu cầu về
xăng cao hơn và chế độ sản xuất xăng cho hiệu quả kinh tế cao hơn thì
chuyển chế độ vận hành từ tối đa dầu diesel sang tối đa xăng.
Tại sao phải đặt vấn đề nâng công suất nhà máy lúc này? Có phải vì
thiết kế ban đầu không dự báo đúng nhu cầu thị trường trong dài hạn?
Bất cứ nhà máy lọc hóa dầu nào trong giai đoạn thiết kế đều phải tính
đến việc mở rộng trong tương lai vì đó là đặc thù của nó. Đối với Nhà
máy Lọc dầu Dung Quất, tiêu chuẩn thiết kế là theo tiêu chuẩn thế giới
và công ty đã dành sẵn một diện tích đất cho việc mở rộng sau này.
Thiết kế ban đầu của nhà máy từ những năm 1998-2000, đến năm 2003 chỉnh
sửa lại và đã tính toán nhu cầu thị trường và sự phát triển của đất
nước, tuy nhiên không thể hoàn toàn chính xác.
Ví dụ dự báo về tăng trưởng GDP là bao nhiêu phần trăm/năm, nhu cầu
tiêu thụ xăng dầu trong nước tăng như thế nào, và không thể ngờ giá dầu
thế giới hồi đầu năm lên tới 147 Đô la Mỹ/thùng thì nay xuống dưới 50
Đô la, thậm chí 40 Đô la/thùng.
Tầm nhìn của dự án là đến năm 2020-2025, với tình hình giá dầu thế giới
nhiều biến động và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước ngày càng tăng,
thì việc lên kế hoạch mở rộng ngay từ thời điểm này, theo tôi, không
phải là sớm.
Vậy, nên chọn phương án nâng công suất nhà máy hay xây một nhà máy khác để tiết kiệm chi phí đầu tư?
Hiện mới chỉ là giai đoạn nghiên cứu sơ bộ và có nhiều phương án, nâng
cấp ra sao đòi hỏi phải nghiên cứu chi tiết hơn. Nếu Nhà máy Lọc dầu
Dung Quất nâng cấp thì với công suất hiện tại 6,5 triệu tấn/năm, có khả
năng nâng lên 8-8,5 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phương án, hướng thứ hai mà thế giới cũng làm
nhiều là xây một dây chuyền thứ hai, (giống như nhà máy thứ hai) bên
cạnh nhà máy thứ nhất để tận dụng các lợi thế có sẵn. Như thế, chỉ cần
một tổng giám đốc (của nhà máy thứ nhất), nếu xây ở chỗ khác thì phải
nhân đôi số lãnh đạo và cán bộ lên.
Lợi thế thứ hai là về cơ sở hạ tầng, rất nhiều hạng mục phụ trợ có thể
sử dụng cho dây chuyền thứ hai, ví dụ như cảng biển nước sâu tại Dung
Quất.
Thưa ông, bài toán giá xăng dầu trong nước sẽ như thế nào sau khi nhà
máy hoạt động, liệu người tiêu dùng có thể hy vọng một mức giá “dễ thở”
hơn không?
Đó là chuyện điều tiết vĩ mô của Chính phủ và còn phụ thuộc vào thuế
nhập khẩu xăng dầu và tình hình kinh tế. Nhưng nhà máy sẽ giúp “giảm
nhiệt” thị trường, giảm sức ép nhập khẩu, giảm phụ thuộc vào nước ngoài
vì nó đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu của đất nước.
Tác động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lên thị trường phân phối xăng
dầu và việc chế biến là rất lớn, nên ngay cả việc mua dầu thô từ mỏ
Bạch Hổ - nguồn tài nguyên đất nước cũng là bài toán kinh tế cân đối
của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Nhưng giá dầu thế giới đã tụt xuống dưới 40 Đô la Mỹ/thùng, như vậy giá
bán xăng dầu của nhà máy vào năm tới sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với
giá nhập khẩu và có thể lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng?
Cá nhân tôi không cho rằng giá dầu thế giới sẽ giảm nữa bởi vì OPEC
(các nước xuất khẩu dầu mỏ) sẽ điều chỉnh lại sản lượng và hiện nay họ
đã có kế hoạch cắt giảm sản lượng. Ngoài ra, số tiền 700 tỉ Đô la mà
Chính phủ Mỹ tung ra cũng sẽ giúp kinh tế Mỹ hồi phục và giá dầu thế
giới sẽ tăng trở lại chứ không thể giảm tiếp.
* Dầu ngọt là loại dầu có hàm lượng
lưu huỳnh thấp, không gây hại môi trường trong khi dầu chua có hàm
lượng lưu huỳnh cao gây ăn mòn kim loại, tạo ra mưa axít và làm ô nhiễm
môi trường.
Muốn chế biến dầu hỗn hợp người ta
trộn nguyên liệu đầu vào là dầu ngọt với dầu chua theo một tỷ lệ nhất
định tùy theo hàm lượng lưu huỳnh trong hai loại dầu này, chẳng hạn 85%
dầu ngọt và 15% dầu chua, để đảm bảo sản phẩm đầu ra có chất lượng tốt
và ít lưu huỳnh.
Hiện nay, theo đánh giá của các
chuyên gia dầu mỏ thì dầu thô khai thác tại các mỏ của Việt Nam hầu hết
là dầu ngọt có chất lượng cao, hàm lượng lưu huỳnh thấp. Về lâu dài,
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ sử dụng nguồn dầu ngọt này pha trộn với
dầu chua nhập khẩu để tạo ra sản phẩm dầu hỗn hợp.
Thành Trung (TBKTSG)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate