November 26, 2009 | 13:57 GMT+7

Hình thức thi hành án tử hình: Một hay nhiều?

Nguyễn Lê

Sáng 26/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự

Đại biểu Quốc hội còn có ý kiến trái chiều về dự luật Thi hành án hình sự.
Đại biểu Quốc hội còn có ý kiến trái chiều về dự luật Thi hành án hình sự.
Sáng 26/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự.

Đa số trong 24 ý kiến thảo luận đều khẳng định sự cần thiết phải ban hành luật và đánh giá dự luật được chuẩn bị khá chu đáo. Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung cụ thể chưa đủ căn cứ để đại biểu đưa ra quyết định chắc chắn.

Quy định về hình thức thi hành án tử hình và việc hiến xác, mô, bộ phận cơ thể người bị thi hành án tử hình vẫn là những vấn đề được tập trung thảo luận, song còn nhiều ý kiến trái chiều.

Theo dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội ngày 7/11, việc thi hành hình phạt tử hình được quy định theo hai hình thức là xử bắn hoặc tiêm thuốc độc.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp - cơ quan thẩm tra - đề nghị chỉ nên quy định một  hình thức theo hướng hiện đại là tiêm thuốc độc.

Tại phiên thảo luận sáng nay, bên cạnh nhiều ý kiến đồng ý với ủy ban, một số ý kiến cho rằng nên duy trì hai hình thức nhưng cần quy định rõ lộ trình chuyển sang hình thức tiêm thuốc độc. Có ý kiến đề nghị thêm một số hình thức khác, chẳng hạn như giam cho đến chết.

Một số ý kiến không đồng tình với phân tích của một số đại biểu là xử bắn có tính răn đe cao vì cho rằng bản thân bản án tử hình mới có tính răn đe chứ không phải hình thức thi hành án.

Liên quan đến quy định hiến  xác, mô, bộ phận cơ thể người bị thi hành án tử hình, nhiều đại biểu bày tỏ sự không đồng tình. Với lý do đây là việc làm ít khả thi, cả về điều kiện y học lẫn tâm lý xã hội.

Hơn nữa, nếu quy định việc lấy mô, bộ phận cơ thể người sẽ thực hiện trước khi thi hành án thì không thể hiện được sự nhân đạo với tử tù.

Ý kiến khác lại cho rằng nên khuyến khích và tạo điều kiện cho tử tù được làm việc có ích trước khi thi hành án.

Ý kiến của các đại biểu sẽ được ban soạn thảo dự luật tiếp thu, chỉnh sửa, trình Quốc hội tại kỳ họp sau.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate