CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (mã HNG-HOSE) công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 và đưa ra giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát.
Từ đầu năm 2021, đây là quý thứ 10 HNG liên tiếp báo lỗ
Cụ thể: quý 2, HNG ghi nhận doanh thu đạt 152 tỷ đồng - tăng nhẹ so với cùng kỳ (gần 148 tỷ đồng); lợi nhuận gộp lỗ gần 37 tỷ đồng - giảm so với mức âm 136 tỷ đồng của quý 2/2022.
Trong kỳ, chi phí tài chính của HNG giảm mạnh từ 377 tỷ chỉ còn 88 tỷ đồng; lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh cũng giảm mạnh từ 535,7 tỷ giảm còn 139 tỷ; lợi nhuận sau thuế lỗ 128 tỷ (cùng kỳ lỗ 557 tỷ đồng).
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế trên BCTC tổng hợp giảm mạnh từ 58,2 tỷ hồi quý 2/2022 xuống còn 8,2 tỷ, tương ứng giảm 50 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do lãi suất vay tăng trung bình 3%/năm dẫn đến chi phí lãi vay tăng cao so với cùng kỳ năm 2022.
Xét theo cơ cấu doanh thu, mảng cây ăn trái ghi nhận doanh thu quý 2/2023 chỉ đạt 133 tỷ đồng, sản lượng 8,986 tấn, trong đó chuối chỉ đạt 8.754 tấn so với kế hoạch đề ra 12.060 tấn giảm 40% so với cùng kỳ 14.699 tấn. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng thiếu nhân công lao động cộng với thời tiết bất lợi làm tăng dịch bệnh dẫn đến năng suất buồng kém, số lượng buồng phải hủy bỏ không thu hoạch tại vườn 37%.
Ngoài ra, trong kỳ công ty vẫn đang tập trung đầu tư chăm sóc, cải tạo lại vườn cây hiện hữu dẫn đến diện tích cho thu hoạch thấp.
Với mảng cao su: trong quý 2, HNG ghi nhận doanh thu chỉ đạt 17 tỷ đồng, tương ứng sản lượng đạt 581 tấn (kế hoạch 1.772 tấn); tình trạng thiếu nhân công cạo mủ cùng với sản lượng khai thác đầu vụ thấp; chi phí giá vốn vườn cây lớn dẫn đến doanh thu không bù đắp đủ chi phí.
Đồng thời, lỗ quý 2/2023 giảm mạnh so với quý 2/2022 do công ty đã chuyển đổi đồng tiền hạch toán từ đồng LAK sang đồng USD, do vậy không còn ghi nhận khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá, trong khi cùng kỳ năm ngoái công ty ghi nhận khoản lỗ 329 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá do đồng LAK tại Lào so với USD và VND mất giá lần lượt 28% và 33%.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của HNG đạt 278 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ (487 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế âm 241 tỷ - giảm 64% so với mức lỗ 670 tỷ của quý 2/2022.
Năm 2023, HAGL Agrico lên kế hoạch doanh thu thuần 1.282 tỷ đồng; lỗ thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh 437 tỷ đồng; lỗ trước thuế 2.316 tỷ đồng. Nguồn thu năm nay của HNG chủ yếu đến từ cây ăn trái và cao su.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản HAGL Agrico ghi nhận 13.116 tỷ đồng, tăng hơn 440 tỷ đồng so với hồi đầu năm; nợ phải trả tăng lên mức 10.321 tỷ - trong đó, bao gồm 7.600 tỷ vay nợ tài chính ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, HNG đã chi gần 150 tỷ đồng cho việc trả lãi vay - tăng 41,5% so với cùng kỳ năm ngoái (106 tỷ).
Hiện vốn chủ sở hữu của công ty giảm từ 3.035 tỷ về dưới 2.800 tỷ; lỗ tỷ giá hơn 2.200 tỷ đồng và lỗ luỹ kế là 7.244 tỷ đồng.
Về biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát
HNG cho biết, công ty đang thực hiện lộ trình kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư năm 2023 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên 2023. Công ty thực hiện Chiến lược sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên nền tảng hữu cơ, quản trị theo phương pháp công nghiệp xuyên suốt chuỗi giá trị, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ sinh học và số hóa theo lộ trình phù hợp. Tập trung vào 5 mục tiêu sau:
Một là, tổ chức mô hình Khu liên hợp sản xuất trồng trọt và chăn nuôi khép kín, quy hoạch các vùng chuyên canh cây ăn trái; cây cao su và cây lâm nghiệp; chăn nuôi bò sinh sản bán chăn thả.
Hai là, đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi, tuyến đê bao chống ngập nhằm hạn chế thiệt hại từ ngập lụt do mưa lớn; Đầu tư xây dựng các công trình trên đất gồm: xưởng đóng gói, tổng kho, nhà máy sản xuất chế biến trái cây, nhà ở công nhân, văn phòng và nhà ở cán bộ công nhân viên, tiện ích và hạ tầng an sinh cho CBNV làm việc và sinh sống trong các Khu liên hợp; Đầu tư mua sắm máy móc thiết bị cơ giới hoá;
Ba là, tổ chức sản xuất và quản trị hoạt động theo mô hình xí nghiệp/nông trường khép kín đế đảm bảo công tác an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi;
Bốn là, trồng mới và chăm sóc diện tích cây ăn trái chủ lực (chuối, dứa, xoài). Sản phẩm xuất bán ra thị trường là trái cây tươi và các sản phẩm chế biến từ trái cây tươi. Duy trì chăm sóc và tổ chức khai thác các vườn cây cao su đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Tiếp tục từng bước thực hiện chuyển đổi các vườn cây ăn trái và cao su không hiệu quả sang trồng chuối, dứa và chăn nuôi bò;
Cuối cùng là, nuôi bò sinh sản theo hình thức đồng cỏ bán chăn thả, đồng cỏ tập trung; Sản xuất phân hữu cơ cung cấp cho các nông trường cây ăn trái.
Trước đó, HoSE đã chuyển cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico từ diện cảnh báo sang kiểm soát kể từ ngày 12/4/2023.
Lý do mà HOSE đưa ra là vì lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2021 và 2022 lần lượt là -1.119,43 tỷ đồng và -3.576,45 tỷ đồng căn cứ theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của HAGL Agrico, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định.
Trên thị trường, cổ phiếu HNG đóng cửa phiên 28/7 tăng 2,5% lên mức 4.160 đồng, tăng 19% sau gần 2 tháng (chốt phiên ngày 9/5, giá cổ phiếu HNG giảm còn 3.490 đồng/cổ phiếu).