August 25, 2021 | 14:30 GMT+7

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, tăng sức “đề kháng” trước Covid

Tuấn Sơn -

Nhấn mạnh Việt Nam là thị trường trọng điểm, Bà Tracy Yeo, Giám đốc Zebra Technologies tại Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường sự hiện diện, giúp các doanh nghiệp trong nước chuyển đổi số thành công, tăng sức mạnh cho các đối tác trong lĩnh vực sản xuất, bán lẻ/ thương mại điện tử, vận tải…

Bà Tracy Yeo, Giám đốc Zebra Technologies tại thị trường Việt Nam.
Bà Tracy Yeo, Giám đốc Zebra Technologies tại thị trường Việt Nam.

Dịch Covid-19 đã và đang tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong tất cả các ngành. Zebra đánh giá thế nào về những tác động này với các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Theo bà, làm thế nào để các doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn của “bão” Covid để duy trì, không bị gián đoạn trong sản xuất, kinh doanh?

Theo một khảo sát do VCCI và Ngân hàng Thế giới thực hiện tại Việt Nam, hơn 87% doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, bao gồm sản xuất, bán lẻ,… đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Tuy vậy, đại dịch cũng đóng vai trò chất xúc tác trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, áp dụng công nghệ phù hợp để duy trì ưu thế cạnh tranh.

Hiện tại, hầu hết các nhà máy buộc phải tạm dừng sản xuất do Việt Nam đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Một số nhà máy khác đang thiết lập “bong bóng” Covid để cố gắng duy trì hoạt động…

Để khắc phục tình trạng này, tôi cho rằng, các doanh nghiệp cần trang bị các công nghệ phù hợp như thiết bị kiểm kho và máy đọc mã vạch, giúp nhân viên nâng cao hiệu quả và độ chính xác trong công việc nhằm ứng phó tình huống. Một ví dụ điển hình là việc sử dụng máy kiểm kho thay cho giấy bút để kiểm tra hàng tồn kho tại cửa hàng bán lẻ...

Theo bà, rào cản và thách thức lớn nhất đối với việc áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất là gì?

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Với các SMB, mối quan tâm cơ bản của họ là chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho chuyển đổi số. Nhưng nhiều doanh nghiệp không nhận ra rằng chuyển đổi số có thể thực hiện theo từng giai đoạn.

Do đó, tôi cho rằng, các doanh nghiệp cần có “tư duy lớn, khởi đầu nhỏ” bằng cách ứng dụng máy kiểm kho và máy đọc mã vạch. Sau khi đã thiết lập được nền tảng, tùy thuộc vào nhu cầu và ngân sách, doanh nghiệp có thể dễ dàng mở rộng với các công nghệ khác tiên tiến hơn như RFID, tự động hóa...

Các giải pháp công nghệ của Zebra đã và đang giúp gì các doanh nghiệp trong tối ưu hóa quá trình sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm để vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch? Xin bà vui lòng chia sẻ một vài điển hình khách hàng thành công nhờ ứng dụng công nghệ của Zebra trong ngành sản xuất?

Trong hơn 50 năm, Zebra đã và đang giúp tăng cường sức mạnh cho các doanh nghiệp trong ngành sản xuất và các ngành nghề khác để nâng cao hiệu suất và đạt được kết quả tốt hơn. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các đối tác của mình để đưa ra các giải pháp được thiết kế phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Thực tế, đã có nhiều điển hình khách hàng doanh nghiệp sản xuất đã thành công khi ứng dụng công nghệ của chúng tôi. Đơn cử như trường hợp của CEAT Limited hay Mobis Parts Australia (MPAU)…

Là một trong những nhà sản xuất lốp xe hàng đầu của Ấn Độ, CEAT Limited có thể đơn giản hóa quy trình và xây dựng luồng công việc tự động, nâng cao hiệu quả và giá trị kinh doanh tại nhà máy với các giải pháp giám sát (visibility) của Zebra.

Nhờ vậy, CEAT đã giảm 60% số lao động hợp đồng làm các công việc nhập liệu thủ công và tăng gấp đôi hiệu quả của các nhà quản lý tuyến đầu. Giải pháp còn giảm thời gian nhập liệu thủ công từ 28 giờ liên tục xuống chỉ còn 28 phút mỗi ngày.

Còn với MPAU đã triển khai một giải pháp đa lớp, điều khiển bằng giọng nói bao gồm máy kiểm kho đeo tay WT6000 và máy quét mã vạch vòng RS4000 của Zebra. Được thiết kế với sự hợp tác của các đối tác Skywire và Ivanti, giải pháp này giúp MPAU tăng 15% năng suất vận hành kho hàng và giảm thêm 39% lỗi so với các giải pháp chỉ sử dụng điều khiển bằng giọng nói.

Zebra có tư vấn gì cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam khi áp dụng công nghệ vào sản xuất theo hướng thông minh hơn, linh hoạt hơn và hiệu quả hơn?

Tôi cho rằng, không có giải pháp duy nhất đáp ứng cho mọi vấn đề. Các doanh nghiệp cần xác định rõ nhu cầu của mình trước khi có được công nghệ phù hợp để đáp ứng nhu cầu đó.

Vì vậy, cách tốt nhất là lựa chọn được đối tác công nghệ phù hợp, có uy tín cao, được mạng lưới đối tác mạnh hỗ trợ và có trung tâm dịch vụ bảo hành tại chỗ, giúp nâng cao tính liên tục trong kinh doanh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Trung tâm dịch vụ bảo hành Zebra Technologies tại Việt Nam.
Trung tâm dịch vụ bảo hành Zebra Technologies tại Việt Nam.

Việt Nam có vị trí như thế nào trong chiến lược phát triển khu vực cũng như toàn cầu của Zebra? Zebra sẽ tập trung vào những ngành nghề nào ở Việt Nam? Xin bà chia sẻ mục tiêu và chiến lược của Zebra trong năm 2021 và những năm tiếp theo?

Các giải pháp phong phú, đa dạng của Zebra được thiết kế để tăng sức mạnh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, bán lẻ/thương mại điện tử, vận tải và hậu cần, y tế, khu vực công và các ngành công nghiệp khác.

Việt Nam là thị trường trọng điểm của Zebra ở Châu Á Thái Bình Dương, và việc khai trương trung tâm dịch vụ bảo hành đầu tiên của chúng tôi tại Việt Nam là minh chứng cho điều này. Đây là trung tâm dịch vụ thứ năm của chúng tôi ở Đông Nam Á, cùng với các cơ sở ở Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Trong tương lai, chúng tôi mong muốn tiếp tục tăng cường sự hiện diện của mình tại Việt Nam và giúp các doanh nghiệp trong nước chuyển đổi số thành công.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate