May 07, 2025 | 19:58 GMT+7

Hoa Kỳ bắt đầu phải chịu tình trạng chảy máu chất xám về AI

Sơn Trần

Dòng chảy nhân tài vào Hoa Kỳ đã chững lại, trong khi nhiều quốc gia khác bắt đầu vươn lên mạnh mẽ trong cuộc đua thu hút lực lượng AI tinh hoa…

Hoa Kỳ bắt đầu đối diện với tình trạng chảy máu chất xám về AI.
Hoa Kỳ bắt đầu đối diện với tình trạng chảy máu chất xám về AI.

Hoa Kỳ đang dần đánh mất vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) khi dòng nhân tài mới vào nước này gần như không còn, theo Tech Co.

Về mặt kỹ thuật, Hoa Kỳ chưa hẳn "chảy máu chất xám" sang các quốc gia khác, nhưng chạm đến ngưỡng “hòa vốn”, tức số lượng nhân tài AI hàng đầu đến Hoa Kỳ hiện tương đương với số người rời đi.

Với vai trò là điểm đến hàng đầu của nguồn nhân lực AI toàn cầu, xu hướng này cho thấy tín hiệu đáng báo động đang diễn ra.

HOA KỲ DẦN RƠI VÀO THẾ BẤT LỢI

Công ty dữ liệu Zeki Data vừa công bố bản phân tích mới nhất: Báo cáo Nhân tài AI Toàn cầu năm 2025. Nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ khoảng 800.000 cá nhân đang làm việc trong lĩnh vực AI tại 115 quốc gia (không có Trung Quốc), tổng hợp từ 30.000 nguồn dữ liệu mở. Báo cáo đánh giá một số yếu tố như hiệu suất công việc, khả năng làm việc nhóm, lộ trình nghề nghiệp, tầm ảnh hưởng, danh tiếng và năng lực chuyên môn.

Với quy mô mẫu lớn so với nhiều nghiên cứu cùng loại, phát hiện từ Zeki Data mang lại cái nhìn đáng tin cậy hơn. Thông điệp chính của báo cáo là Hoa Kỳ đang mất dần ưu thế trong lĩnh vực nghiên cứu AI.

Bản tóm tắt báo cáo giải thích rằng những tài năng AI giỏi nhất trên thế giới từng cho rằng Hoa Kỳ là điểm đến hàng đầu, nhưng giờ suy nghĩ đó đã thay đổi.

Tóm tắt báo cáo nêu rõ: “Nguồn nhân tài quốc tế từng là động lực giúp Hoa Kỳ xây dựng và duy trì vị thế thống trị trong ngành AI. Tuy nhiên, dòng chảy này đang cạn kiệt nhanh chóng, khi nhân tài hàng đầu không còn đủ động lực để chuyển đến Hoa Kỳ. Chúng tôi dự đoán xu hướng này sẽ tăng tốc, kéo theo hệ quả kinh tế tiêu cực lâu dài”.

NGUYÊN NHÂN ĐẾN TỪ ĐÂU?

Trước đây không lâu, quy mô và sức mạnh của ngành công nghiệp AI Hoa Kỳ đủ để biến quốc gia này thành điểm đến mặc định cho bất kỳ ai muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Vậy điều gì đã thay đổi?

Theo báo cáo của Zeki Data, sự suy giảm bắt nguồn từ ba yếu tố chính, bao gồm: cắt giảm tài trợ khoa học liên bang, giảm nhu cầu tuyển dụng từ tập đoàn lớn và xu hướng chuyển sang phát triển AI “nội địa có chủ quyền”.

Một số thay đổi lớn trong năm nay càng làm tình hình thêm nghiêm trọng, như quyết định cắt giảm ngân sách vào tháng 2/2025 đối với Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) và Viện Y tế Quốc gia (NIH) - hai nguồn tài trợ công lớn cho nghiên cứu AI.

Tuy nhiên, một biểu đồ quan trọng trong báo cáo cho thấy xu hướng suy giảm đã bắt đầu từ cuối năm 2022 và liên tục gia tăng kể từ đó. Hiện tại, Hoa Kỳ đã chạm đến điểm “cân bằng” khi số lượng nhân tài rời khỏi đất nước bằng với số người đến, và xu hướng tương lai tiếp tục nghiêng về phía “chảy máu chất xám”.

Báo cáo cũng đưa ra nhiều dự đoán đáng chú ý khác. Thứ nhất, Ấn Độ được cho là sẽ ngừng xuất khẩu nhân tài và bắt đầu thu hút họ trở lại. Các nước châu Âu và vùng Vịnh cũng hưởng lợi từ xu thế này khi thu hút thêm đầu tư cho ngành công nghệ.

Các trung tâm AI mới nổi như Singapore, Canada và UAE đang tích cực thu hút nhân tài bằng nhiều chương trình visa ưu tiên, tài trợ nghiên cứu và môi trường pháp lý cởi mở. Chẳng hạn, Canada đã triển khai “Tech Talent Strategy” từ năm 2023, cho phép chuyên gia AI quốc tế nhập cảnh nhanh chóng và được bảo lãnh gia đình trong vòng 2 tuần.

Tại Hoa Kỳ, Google được dự đoán sẽ giữ vững lợi thế, khi đang nắm tới 35% thị phần nhà phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) - giúp công ty củng cố vị thế thống trị AI trong dài hạn. Bên cạnh đó, một số đối thủ như OpenAI và Meta được cho là không có vị trí thuận lợi bằng.

Tương tự, sức mạnh vượt trội của NVIDIA sẽ tiếp tục giúp hãng thu hút nhân tài hàng đầu, nhờ vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng chip AI.

Ở chiều ngược lại, nghiên cứu y học sẽ ảnh hưởng nặng nề bởi: “Doanh nghiệp công nghệ đang tuyển dụng các chuyên gia thần kinh và công nghệ DNA nano với tốc độ chóng mặt, khiến lĩnh vực y tế không thể cạnh tranh”. Ngược lại, ngành quốc phòng được dự đoán tiếp tục tăng tốc phát triển công nghệ chiến tranh tự động.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate