September 04, 2019 | 13:10 GMT+7

Hoàn thiện cơ chế tín dụng ưu tiên cho 14 tỉnh miền núi phía Bắc

Đào Hưng

Tính đến hết ngày 31/7/2019, tổng dư nợ tín dụng cho khu vực trung du và miền núi phía Bắc đạt khoảng 409.552 tỷ đồng, tăng 4,87% so với năm 2018, chiếm 5,29% tổng dư nợ toàn nền kinh tế

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị.

Khu vực trung du và miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh, với tổng diện tích chiếm 28,75% diện tích của cả nước, là nơi sinh sống của trên 30 dân tộc, khu vực có vị trí đặc biệt quan trong về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của cả nước. Tuy nhiên, đến nay, đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước.

Vai trò "huyết mạch"

Sáng 4/9/2019, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng đối với các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Tại hội nghị, số liệu được công bố tính đến ngày 31/7/2019, huy động vốn toàn ngành ngân hàng trong khu vực đạt 381.603 tỷ đồng, tăng 9,08% so với năm 2018 (cao hơn so với mức tăng chung toàn quốc 6,87%), chiếm khoảng 4,5% tổng nguồn vốn huy động toàn quốc. Dư nợ tín dụng cho khu vực đạt khoảng 409.552 tỷ đồng, tăng 4,87% so với năm 2018, chiếm 5,29% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó dư nợ cho vay theo lĩnh vực ưu tiên đều có xu hướng tăng so với cuối năm 2018.

Riêng đối với các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai tại khu vực, tính đến cuối tháng 7/2019 dư nợ cho vay đạt 42.748 tỷ đồng, tăng 6,12% so với 31/12/2018, với hơn 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm tỷ trọng 21,5% tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp trên 762 ngàn hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 204 ngàn lao động… góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Hiện tại, Ngân hàng Chính sách Xã hội đang triển khai hơn 20 chương trình tín dụng ưu đãi. Các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách được tiếp cận nhiều hơn các chương trình, chính sách tín dụng ngân hàng với quy trình, thủ tục cho vay rõ ràng, minh bạch, đơn giản và phù hợp với từng đối tượng, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Đánh giá kết quả đạt được, Phó Thổng đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Nhìn chung, hệ thống ngân hàng đã thực sự phát huy vai trò "huyết mạch" đối với phát triển kinh tế xã hội các tỉnh trong khu vực. Nguồn vốn ngân hàng đã giúp cho hàng triệu hộ gia đình chính sách, hộ nghèo khắc phục khó khăn, có điều kiện chuyển đổi, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống."

Chung tay tháo gỡ khó khăn

Cũng tại hội nghị trên, một loạt các ý kiến đống góp cũng như phản ánh thực tế nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác tín dụng đối với các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc trong thời gian tới.

Cụ thể, ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cho rằng, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp chi phí cao, chênh lệch lãi suất thấp, rủi ro lớn do thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, thị trường thiếu minh bạch… Trái lại, nguồn vốn cho vay của ngân hàng này là nguồn vốn thương mại, huy động từ thị trường nên lãi suất đầu vào cao.

Theo ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện nay, nhu cầu vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc nói riêng, cả nước nói chung còn rất lớn. 

Trong khi đó, việc bố trí vốn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ giao cho Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện, nhất là tại một số chương trình tín dụng có nhu cầu vốn lớn như chương trình cho vay giải quyết việc làm, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Ngoài ra, vị đại diện này còn nói thêm, tại một số nơi, công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách xã hội chưa thực sự gắn kết, dẫn đến một bộ phận người nghèo và đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững.

Tiếp thu những ý kiến trên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đổi mới hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng ưu tiên cho vùng này. Trong thời gian tới tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. 

Đặc biệt, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với đối tượng ưu tiên, tín dụng chính sách; đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, nhất là tại khu vực vùng sâu, vùng xa.

Đối với các tổ chức tín dụng, ông Đào Minh Tú cho rằng, cần triển khai hiệu quả, kịp thời chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, người dân.

Đồng thời, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hàng  trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn vay ưu đãi cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách. Đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, hiểu biết về tiền tệ, hoạt động ngân hàng; đăng tải đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách tín dụng do ngành ngân hàng triển khai để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin và cách thức tiếp cận vốn vay.

Cùng với những giải pháp đưa ra, Phó Thống đốc cũng mong có sự tham gia vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội ngành nghề và sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp của các tỉnh để hoạt động ngân hàng tại khu vực tiếp tục đạt được hiệu quả cao hơn, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực trong thời gian tới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate