Ngày 5/9, tại Hà Nội, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 8 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2022.
Báo cáo tại hội nghị về công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bà Nguyễn Hải Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Hành chính Tổng cục Đường bộ, cho hay Tổng cục chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác hệ thống quốc lộ đáp ứng nhu cầu vận tải và đi lại của người dân.
Được biết, năm 2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao trên 2.000 tỷ đồng vốn xây dựng cơ bản và gần 10.500 tỷ đồng vốn bảo trì đường bộ.
Đến nay, kết quả giải ngân nguồn vốn bảo trì đường bộ đạt khoảng 70% kế hoạch cả năm. Tiến độ các dự án sửa chữa định kỳ năm 2022 cơ bản đáp ứng yêu cầu, dự kiến đến ngày 30/11 sẽ hoàn thành các dự án giao kế hoạch chi lần đầu; đối với các dự án bổ sung mới và bổ sung kế hoạch chi thực hiện năm 2022 dự kiến đến ngày 31/12 sẽ hoàn thành.
Tổng cục Đường bộ cũng tiếp tục rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mới phát sinh; ưu tiên sơn kẻ đường, biển báo, đinh phản quang, tiêu dẫn hướng, đèn chiếu sáng tại các nút giao thông đông dân cư.
Riêng các tuyến đường đèo dốc, vực sâu nguy hiểm, tăng cường tường phòng hộ, xây dựng các đường cứu nạn, hốc cứu nạn để cứu nguy cho các xe mất phanh; hoàn chỉnh hệ thống báo hiệu trên đường cao tốc.
Riêng trong tháng 8/2022, xử lý 2 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mới phát sinh.
Về công tác quản lý vận tải, Tổng cục Đường bộ tích cực giải quyết các vướng mắc, kiến nghị cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải và các Sở Giao thông vận tải trong lĩnh vực hoạt động vận tải; thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc...
Liên quan đến công tác quản lý phương tiện, người lái, Tổng cục thực hiện việc kết nối, tích hợp cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo tiến độ yêu cầu tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp các đơn vị liên quan điều chỉnh phần mềm sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện Dịch vụ công mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên phạm vi toàn quốc.
Cùng với đó, ban hành phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông. Tổng cục Đường bộ cũng chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải, cơ sở đào tạo lái xe trên toàn quốc lắp đặt và sử dụng phần mềm giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên và cabin học lái xe. Triển khai thử nghiệm phần mềm tiếp nhận và quản lý dữ liệu giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên...
Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 9, Quyền Tổng cục trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu: "Các đơn vị hoàn thiện Dự thảo Quyết định chức năng, nhiệm vụ của Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải".
Theo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải mới ban hành, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ được kiện toàn lại thành Cục Quản lý Đường bộ và Cục Đường cao tốc từ ngày 1/10. Như vậy, việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của Tổng cục sẽ được thực hiện trong vòng 1 tháng.
Tiếp tục chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải rà soát, điều chỉnh hệ thống quốc lộ theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021.
Theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công và vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ năm 2022 đảm bảo tiến độ theo kế hoạch được giao. Rà soát, điều chỉnh dự toán chi năm 2022 để triển khai các công trình bổ sung năm 2022, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn được giao.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp trong bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, đột xuất, kiểm tra, kiểm định, quan trắc... nhằm hạn chế sự xuống cấp của các tuyến đường, bảo đảm giao thông an toàn thông suốt. Đôn đốc công tác lựa chọn nhà thầu đối với các dự án sửa chữa định kỳ theo kế hoạch bảo trì năm 2022; tổ chức kiểm tra hiện trường đối với một số dự án, tăng cường công tác quản lý chất lượng và tiến độ đối với các dự án sửa chữa định kỳ đảm bảo tiến độ giải ngân.
Tiếp tục xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mới phát sinh trong quá trình khai thác. Tiếp tục thực hiện công tác giải quyết các vướng mắc, kiến nghị cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải và các Sở Giao thông vận tải trong lĩnh vực hoạt động vận tải. Hướng dẫn các Sở Giao thông vận tải, đơn vị kinh doanh vận tải trình tự, thủ tục cấp giấy phép cho đơn vị kinh doanh vận tải và phương tiện hoạt động vận chuyển đường bộ qua lại biên giới.
Thực hiện việc chuyển giao phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông cho các Sở Giao thông vận tải, các cơ sở đào tạo lái xe và các trung tâm sát hạch lái xe trong toàn quốc. Đưa vào sử dụng phần mềm tiếp nhận và quản lý dữ liệu giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên.
Thực hiện kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại một số địa phương theo kế hoạch. Kiểm tra, kiểm chuẩn cấp mới, cấp lại Giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động.
Chỉ đạo, đôn đốc các Ban Quản lý dự án tăng cường công tác quản lý dự án, đặc biệt chú trọng công tác quản lý tiến độ, chất lượng thi công công trình, tiến độ giải ngân, đảm bảo hoàn thành giải ngân 100% vốn kế hoạch 2022 được giao.
Trong đó, tập trung các Dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP), dự án nâng cấp Quốc lộ 9 tỉnh Quảng Trị, dự án Quốc lộ 8A đoạn Km37-Km85 tỉnh Hà Tĩnh.
Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm, phòng ngừa sai sót trong thiết kế, thi công, giải quyết kịp thời vướng mắc trên công trường...