October 02, 2024 | 13:04 GMT+7

Hoàn thiện hạ tầng thanh toán bán lẻ cho thành phố thông minh

Hoàng Lan -

Với sự bùng nổ của các công nghệ số, thanh toán thông minh đã không còn gói gọn trong phạm vi của các giao dịch tài chính mà đã lan tỏa ra mọi lĩnh vực của đời sống, từ thương mại điện tử, dịch vụ công, giao thông thông minh, y tế đến giáo dục….

TP Hà Nội hiện cung cấp gần 2.000 dịch vụ công trực tuyến.
TP Hà Nội hiện cung cấp gần 2.000 dịch vụ công trực tuyến.

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng và yêu cầu ngày càng cao về quản lý tài nguyên hiệu quả, thành phố thông minh đã trở thành một xu hướng phát triển tất yếu. Trong đó, thanh toán số đóng vai trò là một trong những yếu tố quan trọng giúp các thành phố thông minh vận hành trơn tru và hiệu quả.

THANH TOÁN SỐ: CÔNG CỤ XÂY DỰNG THÀNH PHỐ THÔNG MINH

Ngày 2/10, UBND Thành phố Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng chỉ đạo, Báo Tiền Phong và Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức hội thảo với chủ đề "Hà Nội - Thành phố thông minh và Hệ sinh thái ngân hàng mở".

Chia sẻ tại hội thảo, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhấn mạnh trong chiến lược phát triển đô thị thông minh, Hà Nội luôn xác định vai trò của thanh toán thông minh là một trong những nền tảng quan trọng giúp kết nối các dịch vụ công và xã hội; từ đó hình thành hệ sinh thái số nơi mọi người dân, doanh nghiệp đều có thể tham gia và hưởng lợi từ các dịch vụ số hóa.

“Một trong những ứng dụng nổi bật của thanh toán thông minh tại Hà Nội là việc tích hợp vào dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, thành phố đã triển khai hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt tại 100% các bộ phận một cửa trên toàn thành phố. Điều này cho phép người dân có thể thanh toán các khoản phí, lệ phí liên quan đến thủ tục hành chính một cách dễ dàng thông qua các nền tảng điện tử, không cần phải sử dụng tiền mặt hoặc thực hiện giao dịch trực tiếp tại cơ quan hành chính”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.

 
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

"Dưới sự định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang dần thay đổi mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ngân hàng mở, gắn liền với sự kết nối và tích hợp nên tảng công nghệ, giải pháp thanh toán, chia sẻ dữ liệu... nhằm phát triên một hệ sinh thái số, hệ sinh thái ngân hàng mở.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành và trình ban hành nhiều quy định nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng - thanh toán, tăng cường chuẩn hóa, liên thông trong ngành ngân hàng và giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, an toàn và thuận tiện". 

Theo ông Hà Minh Hải, việc triển khai thanh toán thông minh trong dịch vụ công đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trước hết, nó giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi và các chi phí phát sinh không cần thiết cho người dân, tạo sự tiện lợi trong quá trình giao dịch. Đồng thời, hệ thống này còn giúp giảm tải áp lực cho các cơ quan hành chính, cải thiện hiệu suất làm việc và công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết các dịch vụ công.

Không chỉ dừng lại ở các dịch vụ hành chính cơ bản, thanh toán thông minh còn được tích hợp vào nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống, từ việc thanh toán viện phí, học phí, đến các dịch vụ y tế và công cộng. Đây là một trong những bước đột phá trong quá trình hiện đại hóa hạ tầng dịch vụ của Thành phố, góp phần hướng tới hình thành một hệ sinh thái tài chính minh bạch, an toàn và tiện ích cho tất cả các bên tham gia.

Ông Hải cho biết đến tháng 9/2024, Hà Nội đã triển khai thành công 102 điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các bãi đỗ xe thông minh ở các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Ba Đình...; không chỉ giúp người dân thanh toán phí dịch vụ dễ dàng thông qua thẻ ngân hàng, mã QR hoặc ví điện tử mà còn giúp thành phố theo dõi và quản lý nguồn thu từ các bãi đỗ xe một cách minh bạch và hiệu quả. Từ khi triển khai, hệ thống đã ghi nhận hơn 550.000 lượt giao dịch với tổng số tiền thu về hơn 57 tỷ đồng.

Đại diện ngân hàng, doanh nghiệp tham dự hội thảo.
Đại diện ngân hàng, doanh nghiệp tham dự hội thảo.

HẠ TẦNG THANH TOÁN BÁN LẺ CHO THÀNH PHỐ THÔNG MINH

Theo thống kê của NAPAS, trong 7 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 9,31 tỷ giao dịch với giá trị đạt 160 triệu tỷ đồng (tăng 58,44% về số lượng và 35,13% về giá trị);

Trong đó, giao dịch qua kênh Internet đạt 1,72 tỷ giao dịch với giá trị đạt 42,08 triệu tỷ đồng (tăng 49,83% về số lượng và 33,72% về giá trị); qua kênh điện thoại di động đạt 6,48 tỷ giao dịch với giá trị đạt 41,09 triệu tỷ đồng (tăng 59,09% về số lượng và 37,97% về giá trị), giao dịch qua QR Code đạt 151,7 triệu giao dịch với giá trị đạt 84,6 nghìn tỷ đồng (tăng 106,83% về số lượng và 105,51% về giá trị).

Giao dịch qua ATM đạt 498.107.725 món với giá trị 1.566.231.524 triệu đồng (giảm 13,35% về số lượng và giảm 6,13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023); Giao dịch qua POS đạt 402.582.010 món với giá trị 677.940.470 triệu đồng (giảm 3,77% về số lượng và giảm 3,34% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023).

 
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

"Một trong những thách thức lớn đối với việc xây dựng thành phố thông minh là đảm bảo an ninh mạng và bảo mật thông tin cho người dân trong các giao dịch điện tử. Hà Nội đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào các hệ thống bảo mật, đồng thời hợp tác với các đối tác công nghệ hàng đầu để phát triển các giải pháp đảm bảo an toàn cho các giao dịch số. Trong tương lai, thanh toán thông minh sẽ không chỉ giới hạn trong các giao dịch thương mại và dịch vụ công mà còn được mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp thông minh, du lịch số, và thương mại điện tử xuyên biên giới".

Theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7/2024, số lượng ATM, POS lần lượt là 21.151 ATM (giảm 1,02% so với cùng kỳ năm 2023), 678.463 POS (tăng 41,96% so với cùng kỳ năm 2023).

Số liệu qua hệ thống NAPAS cho thấy sự phát triển bùng nổ của mã VietQR trở thành phương thức được người dân lựa chọn như một thói quen thanh toán tiêu dùng hàng ngày, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phổ cập tài chính toàn diện quốc gia. 

Cụ thể, số lượng giao dịch VietQR năm 2023 tăng trưởng gấp 8 lần năm 2022, gấp hơn 1000 lần so với năm 2021. Năm 2023 có gần 62 triệu mã VietQR được sử dụng để nhận tiền, gấp hơn 10 lần so với số lượng mã VietQR được tạo năm 2022 (khoảng 5.9 triệu mã).

Bên cạnh VietQR, dịch vụ Chuyển nhanh NAPAS 247 cũng tăng mạnh qua các năm, xét cả về số lượng và giá trị giao dịch, phản ánh rõ nét sự chuyển dịch từ nhu cầu thanh toán tiền mặt bằng các dịch vụ thanh toán thông minh trong các hoạt động thường ngày.

 
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc NAPAS.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc NAPAS.

"Với tất cả hạ tầng thanh toán hiện nay, chúng tôi hình dung về hành trình thanh toán của dư dân sống tại các đô thị thông minh thời gian tới sẽ như sau: Buổi sáng, người dân đi làm bằng metro, không phải chờ đợi xếp hàng mua vé mà đi qua cổng soát vé chỉ cần chạm điện thoại di động chạm vào đầu đọc thẻ để thanh toán. Tiền mua vé tự động trừ vào thẻ, tài khoản tích hợp trên điện thoại di động của khách hàng. Trước khi đến giờ vào làm, người dân ăn sáng và quét thanh toán bằng VietQR, ghé tiệm café thanh toán bằng phương thức chuyển tiền nhanh 247 trên mobile app. Đến giờ nghỉ trưa, khách hàng thực hiện thanh toán tiền điện, nước trên điện thoại di động. Sau giờ làm, khách hàng tranh thủ thực hiện thanh toán dịch vụ công trên ứng dụng VNeID hoặc trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Khi đi về, người dân di chuyển bằng xe bus thông qua chạm thẻ. Và vào buổi tối, người dân có thể thực hiện thanh toán các dịch vụ giải trí tại nhà ngay trên mobile app".

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc NAPAS cho biết với nhiệm vụ đảm bảo hạ tầng thanh toán quốc gia luôn thông suốt, trong thời gian tới, NAPAS sẽ tiếp tục chú trọng phát triển mở rộng hệ sinh thái thanh toán số với các sản phẩm dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới. 

Cụ thể: xác thực, định danh khách hàng bằng thông tin sinh trắc học thông qua căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh và xác thực điện tử VneID; ứng dụng thanh toán bằng thông tin sinh trắc học khuôn mặt (facepay); thanh toán một chạm, thanh toán xuyên biên giới bằng mã phản hồi nhanh QR...; kết nối để thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, viện phí, học phí, giao thông, xăng dầu, đi chợ, gọi xe, mua bán hàng hóa dịch vụ... gắn với xuất hóa đơn điện tử vừa tạo thuận tiện cho khách hàng, rút ngắn thời gian giao dịch.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate