March 02, 2023 | 14:28 GMT+7

Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai trong thu hút FDI

Thanh Xuân -

Hai tháng đầu năm 2023, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai về thu hút đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư gần 396,9 triệu USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư đăng ký...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính hai tháng đầu năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trên tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 2,17 tỷ USD, chiếm 70,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đáng chú ý, ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 396,9 triệu USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là các ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 202,1 triệu USD, và gần 141,9 triệu USD...

Từ tình hình thực tế, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận xét, việc tìm kiếm nguồn vốn cho ngành bất động sản từ FDI hoàn toàn khả thi vì, bất động sản Việt Nam vẫn còn khoảng trống ở một số phân khúc, nên việc thu hút FDI có nhiều cơ hội. Đặc biệt, đầu tư cơ sở hạ tầng là phân khúc giúp thu hút vốn nước ngoài vào Việt Nam nói chung và bất động sản nói riêng. Sau nữa đến bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Thời gian qua, Việt Nam có một số khu du lịch, nghỉ dưỡng tương đối tốt, nhưng cách thức quản lý kinh doanh lẫn nền tảng khách hàng lớn lại chưa phát triển, vì vậy, nếu được sự đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài sẽ giúp thúc đẩy lượng khách đến Việt Nam.

“Ngoài ra, sản phẩm thuộc phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ cũng đang rất ít, do sự đầu tư chủ yếu tập trung vào sản phẩm cao cấp", chuyên gia phân tích.

Đồng quan điểm song Giám đốc cấp cao Bộ phận tư vấn đầu tư Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương lưu ý, hiện nay vấn đề pháp lý là nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường bất động sản Việt Nam có thể giảm đi sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài. Bởi trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài mới tham gia thị trường, thì họ chỉ được thực hiện dự án sau khi đóng tiền sử dụng đất, và có giấy phép xây dựng. Do đó với những doanh nghiệp này, thủ tục pháp lý được đánh giá rất quan trọng trước khi xem xét đầu tư. 

“Việc thực hiện đầu tư quá lâu sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, hơn nữa giá bán cao không phù hợp với đại bộ phận người dân. Tình trạng này mà kéo dài chắc chắn làm giảm nguồn cung trên thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở, khi nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, nhà ở thương mại đang là mối quan tâm hàng đầu của các thành phố lớn. Thế nên Nhà nước cần đưa ra những giải pháp thực tế, nhanh chóng giúp thu hút nguồn lực, nhất là dòng FDI”, ông Khương nhận định.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng và giảm lãi suất, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, nhưng vấn đề pháp lý chưa được giải quyết triệt để, thì vẫn có nguy cơ mất dần đi sự cạnh tranh về việc thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào thị trường, mà để trở thành điểm thu hút đầu tư lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam rất cần nguồn lực từ này tham gia  thị trường.

“Bên cạnh nguồn lực của nhân dân và Chính phủ, lực đỡ từ nguồn thu FDI có ý nghĩa rất lớn nhằm giúp cho nền kinh tế của Việt Nam phát triển. Với tốc độ phát triển GDP năm 2022 là 8,02% và GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.110 USD, Việt Nam cần tiếp tục thu hút nguồn vốn nước ngoài để phát triển nền kinh tế”, vị chuyên gia của Savills khuyến nghị. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate