July 29, 2023 | 09:39 GMT+7

Học hỏi những giải pháp sáng tạo từ một số công ty khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp

Công nghệ nông nghiệp (agritech) được đẩy mạnh sử dụng đang giúp hoạt động canh tác của các nước trở nên hiệu quả, từ đó đảm bảo an ninh lương thực, phát triển thực phẩm lành mạnh…

Học hỏi những giải pháp sáng tạo từ một số công ty khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp
Học hỏi những giải pháp sáng tạo từ một số công ty khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp

Theo Statista Research, giá trị thị trường của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực agritech Đông Nam Á sẽ đạt 22 tỷ USD vào năm 2025. Hàng loạt thách thức toàn cầu đã và đang góp phần thúc đẩy nhu cầu agritech tăng cao: biến đổi khí hậu, phương pháp canh tác kém hiệu quả, thiếu đất canh tác, v.v. Nhất là trong thời kỳ đại dịch, các biện pháp phong tỏa đã gây ra tình trạng thiếu lương thực trên toàn thế giới là hồi chuông cảnh báo rõ ràng nhất cho bất cứ quốc gia nào về vấn đề an ninh lương thực. 

Theo Báo cáo về tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới năm 2022 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), ước tính trong năm 2021, 28 triệu người đã phải nhịn ăn trong vài ngày. 

Trải qua những khó khăn này, một số công ty khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp trong và ngoài ASEAN đang nỗ lực thực hiện các giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao năng suất canh tác giúp hạn chế nạn đói, tình trạng mất an ninh lương thực và chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất giống như đại dịch có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong tương lai. 

NGƯỜI MÁY AMBIT 

Công ty chế tạo robot, Ambit Robotics có trụ sở tại Úc hiện cung cấp một robot hoàn toàn tự động, đưa ra dự đoán về năng suất cho các vụ. Cứ sau 24 giờ, robot sẽ tự động đến cánh đồng để đếm rau và trái cây theo lộ trình đường đã được cài đặt sẵn. Việc kiểm tra liên tục như vậy cho phép nông dân theo dõi những thay đổi của cây trồng và dự đoán năng suất cuối vụ. 

Một robot khác của Ambit Robotics có thể tự động di chuyển và phun thuốc cho cây trồng, nhờ đó giảm thiểu sức lao động của con người và bảo vệ người nông dân khỏi tiếp xúc với hóa chất.

Nhà sáng lập của công ty, Paul Voutier phát biểu trong một hội thảo trực tuyến về EvoAG: “Chúng tôi có các trang trại rất lớn ở Úc theo tiêu chuẩn toàn cầu, nhưng ở ASEAN, quy mô trang trại trung bình là khoảng 1ha nhưng qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng hoạt động của họ không thực sự hiệu quả”. Ông cho biết các công ty khởi nghiệp công nghệ của Úc có thể được hưởng lợi vì “những lỗ hổng và sự thiếu hiệu quả” của Đông Nam Á hiện nay: “Đó là có cơ hội để chúng tôi tham gia thị trường khởi nghiệp ASEAN và tạo ra sự khác biệt”.

GIẢI PHÁP TĂNG TRƯỞNG THÔNG MINH (IGS) 

Công ty canh tác tự động của Anh, Giải pháp tăng trưởng thông minh (IGS) đang phát triển công nghệ canh tác thẳng đứng để giải quyết các vấn đề canh tác trong nhà kém hiệu quả, chi phí lao động và các tác động thời tiết khắc nghiệt gây hại cho cây trồng. Công nghệ này giúp cây trồng tăng trưởng trong điều kiện môi trường hoàn hảo nhờ công nghệ thông minh như AI và IoT.

Công nghệ này giúp tạo ra sự bền vững trong ngành bằng cách tái chế nước mà không khử trùng bằng clo, không gây ô nhiễm đất và nước do thuốc trừ sâu. Các công nghệ thông minh của IGS có thể giám sát cây trồng, điều chỉnh ánh sáng, tự động hóa các chức năng và kết nối với các thiết bị khác để trao đổi dữ liệu, từ đó nâng cao hiệu quả và năng suất.

Phương pháp canh tác thẳng đứng công ty này khá tương đồng với giải pháp của Sky Urban Solutions có trụ sở tại Singapore. Công ty này cũng phát triển công nghệ giúp chuyển đổi các mái nhà thành các trang trại thẳng đứng, loại bỏ hạn chế về đất và nước trong ngành nông nghiệp. 

CÁC CÔNG TY CÔNG NGHỆ NÔNG NGHIỆP CÓ NHIỀU CƠ HỘI ĐỂ PHÁT TRIỂN TẠI ĐÔNG NAM Á 

Nhìn chung, các kỹ thuật công nghệ trong canh tác nông nghiệp tại Đông Nam Á hiện cũng có những điểm tương đồng với các phương pháp công nghệ nông nghiệp toàn cầu, tuy nhiên, việc áp dụng vẫn chưa thực sự hiệu quả và đồng bộ. Khu vực vẫn còn khá nhiều thách thức cần giải quyết, chẳng hạn như duy trì nguồn nước sạch và chống xói mòn đất, tái chế và chống lãng phí thực phẩm… 

Cùng với đó, điều kiện kinh tế hiện nay không mấy thuận lợi, nhiều nước trong khu vực ASEAN đang phải đối phó với tình trạng lạm phát, chi phí năng lượng, chi phí sản xuất không ngừng tăng cao. 

Cùng với đó, theo Bain & Company, Đông Nam Á sẽ sớm phải đối mặt với “số lượng không nhỏ các thảm họa khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan”. Đến năm 2050, Chính phủ các quốc gia ASEAN đánh giá tổn thất GDP trung bình dự kiến khoảng 17-37% do chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, một trong số đó là kịch bản nóng lên toàn cầu từ 2,0-3,2°C. Tất cả những điều này có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng địa phương và gây ra tình trạng mất an ninh lương thực tại nhiều quốc gia. 

Chính vì vậy, lời khuyên cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Agritech muốn dành phần trong miếng bánh nông nghiệp tại Việt Nam hay trong khu vực là cần nên kết hợp đồng bộ các công nghệ như Dữ liệu lớn, phân tích, trí tuệ nhân tạo, cảm biến, v.v vào một nền tảng với giao diện dễ sử dụng với mọi người nông dân. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate