June 01, 2009 | 10:53 GMT+7

Học phí tăng, ai cũng được đi học?

Minh Thúy

Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải về sự cần thiết phải tăng học phí để tăng cơ hội học tập cho mọi người

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trả lời phỏng vấn báo chí về đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục - Ảnh: TTXVN.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trả lời phỏng vấn báo chí về đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục - Ảnh: TTXVN.
Hôm nay, Quốc hội bước sang tuần làm việc thứ ba của kỳ họp thứ 5. Xen giữa các nội dung dày đặc của công tác lập pháp là một buổi thảo luận về đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014, vào sáng thứ Tư, ngày 3/6.

Đây sẽ là nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm. Bởi, ngay từ khi đề án chưa chính thức "trình làng", cử tri đã gửi đến Quốc hội những băn khoăn lo lắng về dự kiến tăng học phí, đồng thời kiến nghị cân nhắc thời điểm thực hiện.

Và ngay sau khi Chính phủ nhấn mạnh chủ trương khoan sức dân trước Quốc hội và cử tri cả nước, đại biểu Dương Trung Quốc đã cho rằng, chủ trương tăng học phí chính là điểm không nhất quán trong điều hành của Chính phủ. Vì “rơi vào thời điểm này thì rõ ràng đã đi ngược lại mong muốn chung của xã hội”.

Một số đại biểu khác cho rằng xem xét đề án là một vấn đề rất quan trọng, cần truyền hình trực tiếp phần thảo luận của Quốc hội để cử tri cả nước theo dõi.

Học phí không bao giờ là gánh nặng…

Sáng 30/5, đề án được trình ra Quốc hội. Một trong hai mục tiêu tổng quát của đề án là “xây dựng hệ thống các chính sách để tiến tới mọi người ai cũng được học hành với nền giáo dục có chất lượng ngày càng cao”. Và một trong những nội dung quan trọng của đề án là đề xuất thay đổi về chính sách học phí.

Bên cạnh đề án, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng gửi đến Quốc hội báo cáo đánh giá tác động của đề an, trong đó in đậm dòng chữ: “Học phí không bao giờ là gánh nặng tài chính cho gia đình”. Song,  phần thẩm tra của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh mức học phí hiện khá cao so với tương quan so sánh chung.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân khẳng định mức học phí bậc mầm non và phổ thông không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình là khả thi. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho là không phù hợp.

Chính phủ khẳng định học phí không tạo ra sự tăng đột ngột, mức độ lớn, gây khó khăn cho người học. Nhưng Ủy ban khẳng định “mức tăng quá lớn và quá đột ngột với một số địa phương và một bộ phận học sinh”.

Bộ trưởng giải thích chi phí đào tạo nghề phải tăng nên học phí của trung cấp nghề và cao đẳng nghề bằng nhau, còn Ủy ban cho rằng như thế là “khó chấp nhận”.

Với nhiều phân tích, Bộ khẳng định tăng học phí là rất cần thiết. Tuy nhiên, Ủy ban nhận định “ có thể chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội"

Đảm bảo cơ hội học tập với chất lượng cao hơn

Trả lời báo chí ngay sau khi trình Quốc hội đề án, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định đề án này ra đời là để tạo cơ hội học tập nhiều hơn từ bậc mầm non đến đại học.

Theo ông, hiện nay, Chính phủ có khoảng 19 văn bản nói về chế độ cho người học, ít ai thuộc hết, nên ở nhiều vùng, phụ huynh không biết là mình thuộc diện được hưởng chính sách gì.

Với chế độ học phí mới thì người gặp khó khăn sẽ được quan tâm hơn. Xưa nay chỉ có biện pháp miễn học phí là hết rồi. Nhưng đề án này xác định nếu không đủ chi phí mua sách vở, giày dép,đồng phục thì còn phải hỗ trợ kinh phí để làm việc đó. Đây là khái niệm chi phí học tập khác ngoài học phí.

“Trước khi đóng tiền học phải hỏi trước xem có đủ tiền mua những cái khác không đã, mua xong rồi, còn dư thì mới đóng, không dư thì không đóng. Bản chất vấn đề là như thế”, người đứng đầu ngành giáo dục nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký một thông tư liên tịch với hội phụ nữ và hội khuyến học, mọi gia đình khó khăn trong việc cho con em đi học thì nơi báo đầu tiên, nếu không phải ngành giáo dục thì là hội phụ nữ, hội sẽ gặp nhà trường để nói rõ diện này khó khăn thế nào, hỗ trợ bao nhiêu.

Báo cáo đánh giá tác động của bộ cũng nêu rõ, khi kinh tế khó khăn do thiên tai hoặc suy thoái của vùng hay cả nước, thì theo đề án, người nghèo càng được quan tâm hơn, vì số người được miễn giảm học phí sẽ tăng, số người được Nhà nước trợ cấp để có điều kiện cho con đi học được tăng thêm.

Những người có thu nhập cao hơn có quyền và nghĩa vụ đóng góp nhiều hơn cho việc học hành của con em mình, trong khi nhà nước vẫn là người chi chủ yếu cho con em họ đi học, để Nhà nước có thể thay vì bao cấp cho người khá giả sẽ dành phần đó hỗ trợ nhiều hơn cho người khó khăn hơn.

Đối với đào tạo nghề nghiệp (học nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học) học phí tăng thêm sẽ làm chi phí cho đào tạo cho một người học tăng thêm, là tiền đề trực tiếp để nâng cao chất lượng đào tạo mà sinh viên, học sinh học nghề là người hưởng lợi trực tiếp. Đối với gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn, nhà nước đã có chính sách cho vay để học, với mức vay được điều chỉnh khi học phí tăng. Do đó, Nhà nước đảm bảo cơ hội học tập với chất lượng cao hơn cho học sinh, sinh viên.

Và có tính nhân văn cao

Không né tránh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình bày nhiều ý kiến còn khác trong quá trình góp ý đề án. Trong đó có câu hỏi, đây là đề án tài chính giáo dục có tính nhân văn cao hay là đề án tăng học phí, không phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa?

Bộ khẳng định “không một sinh viên nào đỗ đại học, cao đẳng, trung cấp, đào tạo nghề mà phải bỏ học vì không có điều kiện đóng học phí. Vì vậy, cần khẳng định, cách xác định học phí phổ thông, mầm non và đào tạo nghề nghiệp và các giải pháp hỗ trợ học tập của đề án thể hiện tính nhân văn cao, là biểu hiện của định hướng chủ nghĩa xã hội”.

Theo lý giải của Bộ, đề án đã đề xuất việc tăng học phí đào tạo theo lộ trình và kèm theo đó là chương trình của Chính phủ cho học sinh học nghề, sinh viên hộ nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn được vay để trả học phí và hỗ trợ chi trả các chi phí khác của việc học tập. Cả nước hiện nay có 1,7 triệu sinh viên đại học, cao đẳng, thì đã có 800.000 sinh viên được vay để học, tương đương tỷ lệ 47%, trong khi tỷ lệ hộ nghèo cả nước không quá 15%.

Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, bộ trưởng cho rằng, khi Nhà nước đã đảm bảo gần 80% chi phí, thì việc người dân đóng góp vào việc học hành của con em mình là hoàn toàn cần thiết, vì điều này góp phần tăng quy mô và chất lượng giáo dục. Nếu đòi hỏi người có thu nhập cao cũng chỉ đóng góp như người có thu nhập thấp cho việc học hành của con em mình, còn lại là nhà nước phải lo, thì đây là cách làm nặng bao cấp, không bình đẳng, dẫn đến hiệu quả là quy mô và chất lượng giáo dục bị giảm.

Với câu hỏi vì sao không miễn học phí cho bậc học mầm non, trong khi trẻ lại được khám chữa bệnh miễn phí, bộ cũng lý giải rất cụ thể. Rằng, năm 2008, có 3,39 triệu học sinh mầm non. Chi phí giáo dục bình quân cho 1 học sinh mầm non là 2,56 triệu đồng/năm. Như vậy, nếu miễn học phí bậc mầm non thì cả các em đang ở nhà không đi học sẽ đi học. Số học sinh mầm non mới sẽ là 6 triệu em.

Để đưa số em này đến trường, Nhà nước phải chi là 15.360 tỉ đồng/năm. Trong điều kiện ngân sách giáo dục không tăng, thì nếu nhà nước chi 15.360 tỉ đồng để phổ cập miễn phí mầm non, thì sẽ không còn ngân sách cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề công lập (năm 2006 ngân sách nhà nước cấp cho các trường này là 9.986 tỉ đồng) và vẫn thiếu 5.374 tỉ đồng nữa. Sẽ phải cắt bớt ngân sách chi cho trung học phổ thông. Ngân sách chi cho trung học phổ thông năm 2006 là 5.663 tỉ đồng. Tức là nếu cắt giảm 5.374 tỉ đồng của trung học phổ thông thì gần 95% học sinh trung học phổ thông ở các trường công lập phải nghỉ học.

Cũng liên quan đến cơ hội học tập, lý giải của bộ về việc không đề xuất miễn phí toàn bộ cho học phí bậc trung học sơ sở, vì “nếu miễn hết học phí trung học cơ sở trong điều kiện ngân sách giáo dục không tăng tương ứng được thì quy mô giáo dục trung học cơ sở sẽ giảm 852.000 học sinh.

Năm 2008, cả nước có 6,27 triệu học sinh trung học cơ sở, tổng học phí thu được 2.046 tỷ đồng. Chi phí đào tạo ở trung học cơ sở (chi thường xuyên) khoảng 2,4 triệu đồng/năm/học sinh. Như vậy nếu miễn hết học phí cho học sinh trung học cơ sở thì sẽ hụt chi giáo dục trung học cơ sở khoảng 2.046 tỷ đồng, tương ứng với chi phí đào tạo cho 852.000 học sinh trung học cơ sở, báo cáo của bộ nêu.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh, đề án không theo quan điểm Nhà nước phải bao cấp giáo dục cho người thu nhập thấp và thu nhập cao như nhau. Mà để có nhiều trẻ đi học được và nâng cao chất lượng giáo dục không nên chỉ trông chờ vào bao cấp của Nhà nước, các hộ dân cần đóng góp (tiền học phí) theo khả năng của mình. Người thu nhập cao đóng nhiều hơn, người thu nhập thấp không đóng học phí, thậm chí được nhà nước cấp tiền hàng tháng để đưa con em đi học.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate