Kết luận nêu rõ ngày 4/10/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định Nhà nước) nhận được hồ sơ dự án (theo phương thức đầu tư công) gửi kèm theo Tờ trình số 10625/TTrBGTVT ngày 2/10/2024 của Bộ Giao thông vận tải.
Theo đó, hồ sơ dự án sau hoàn chỉnh thay đổi cơ bản so với nội dung trình trước đây đã được Hội đồng Thẩm định Nhà nước và Tư vấn thẩm tra cho ý kiến. Cụ thể, kết quả dự báo nhu cầu vận tải tăng; phương thức vận tải chuyển từ vận tải hành khách sang vừa vận tải hành khách vừa chở hàng hóa. Tổng mức đầu tư tăng từ 58 tỷ USD thành 67,3 tỷ USD. Mô hình quản lý vận hành khai thác cũng thay đổi và đặc biệt là phương thức đầu tư (chuyển từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư công); tiến độ đầu tư giảm 10 năm cùng với đề xuất bổ sung các cơ chế đặc biệt...
Hội đồng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, tính chính xác các số liệu trong hồ sơ dự án và các nội dung của Đề án trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án; đảm bảo thực hiện đúng kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Thường trực Chính phủ.
Theo đó, Hội đồng đề nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát kỹ về số liệu dự báo nhu cầu vận tải (hành khách, hàng hoá) trên hành lang Bắc - Nam bảo đảm sự tin cậy và phù hợp, tương đồng với các dự án trên thế giới.
Đối với các giải pháp kỹ thuật chính, Hội đồng đề nghị giải trình rõ việc tiếp thu chỉ đạo của Thường trực Chính phủ (Thông báo số 458/TB-VPCP ngày 6-10-2024), đặc biệt là các yếu tố về kỹ thuật hướng tuyến phải thẳng nhất có thể để giảm chi phí (đặc biệt là đoạn tuyến qua tỉnh Nam Định), bảo đảm tốc độ khai thác cho các đoàn tàu, tạo không gian phát triển mới, tránh các khu dân cư, đô thị lớn nhưng phải có phương án kết nối phù hợp, thuận tiện để kết nối ngắn nhất đến sân bay, cảng biển lớn; thuận tiện liên kết hành lang Đông - Tây và kết nối với các tuyến đường sắt Trung Quốc, Lào, Campuchia; đồng thời, trong bước tiếp theo tiếp tục phối hợp với các địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua rà soát, điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga của dự án, nhất là các vị trí có lợi thế kết nối với các đầu mối giao thông lớn, các khu kinh tế...
Về tốc độ khai thác, đề nghị thuyết minh kỹ các yêu cầu kỹ thuật của tuyến đường với tốc độ thiết kế 350km/h trong việc khai thác tàu hàng container.
Hội đồng cũng yêu cầu làm rõ quy mô nhà ga đáp ứng các nhu cầu hoạt động phụ trợ như bãi đỗ xe, kết nối với các phương tiện giao thông khác… diện tích tối thiểu theo thông lệ quốc tế; các ga phải tính toán, xác định diện tích đủ lớn phù hợp, bảo đảm tầm nhìn chiến lược lâu dài để phát triển đầy đủ dịch vụ, hiện đại, khai thác hiệu quả tối đa nguồn lực đất đai và không gian phát triển mới…; ngoài ra, xem xét không xác định quy mô tối đa của nhà ga theo ý kiến của một số địa phương.
Về phương án đầu tư và hiệu quả dự án, Hội đồng nêu rõ yêu cầu làm rõ các thông số về quy mô đầu tư các hạng mục dự án trên cơ sở phân tích, đánh giá sự tuân thủ khung tiêu chuẩn áp dụng cho dự án, thực tiễn các dự án tương đồng trên thế giới và phù hợp với hoàn cảnh, các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay; rà soát lại nội dung đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả tài chính của dự án cho phù hợp (đặc biệt là số liệu tính toán hiệu quả tài chính). Đồng thời, thuyết minh làm rõ phương án huy động và khả năng cân đối vốn cho Dự án bảo đảm khả thi.
Cùng với đó, làm rõ, tăng cường khả năng nội địa hóa, làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao; ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá lợi thế của hình thức đầu tư công so với các hình thức khác, nhất là đối với các đoạn không có ưu thế phát triển đường sắt; làm rõ tính khả thi của việc thực hiện dự án theo đúng tiến độ, thời gian thực hiện dự án...
Kết luận cũng nêu rõ các mốc thời gian cần hoàn thành công việc đối với Bộ Giao thông vận tải, cơ quan tư vấn thẩm tra… để các thành viên Hội đồng Thẩm định Nhà nước khẩn trương nghiên cứu, có ý kiến biểu quyết và gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước 12 giờ ngày 17/10/2024.