Lực cầu bắt đáy xuất hiện khá đuối và một vài trụ tăng chỉ đủ đưa VN30-Index nhích qua tham chiếu, nhưng không đủ kéo VN-Index. Thị trường lại suy yếu những phút cuối phiên và tất cả các chỉ số lại đỏ.
VN-Index hồi lên cao nhất khoảng 10h20 và vẫn thấp hơn tham chiếu 1,47 điểm. VN30-Index lên cao nhất tăng hơn 5 điểm, khoảng 0,34% so với tham chiếu. Đến cuối phiên sáng, VN-Index đã lại giảm 7,8 điểm tương đương 0,57%, VN30-Index giảm 4,06 điểm tương đương 0,27%.
Các nhịp sụt giảm rồi được bắt đáy hồi lên và lại sụt giảm là diễn biến thường thấy khi xung đột giao dịch giữa mua và bán. Nhà đầu tư lạc quan cho rằng giá giảm là cơ hội mua, nhưng người còn cổ lại nghĩ rằng giá hồi lên chỉ mang tính kỹ thuật và là cơ hội để cắt lỗ giá tốt. Trong bối cảnh dòng tiền suy yếu nhiều, biến động giá thường thiếu chắc chắn do không có nhiều nhà đầu tư tham gia ở những nhịp như vậy.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn phiên này tương đương sáng hôm qua, đạt 11.494 tỷ đồng, trong đó sàn HoSE tăng nhẹ 2,2%, đạt 10.465 tỷ đồng. Tuy nhiên thanh khoản tại nhóm VN30 lại giảm 1,5%, đạt 6.404 tỷ đồng.
Vẫn có một số cổ phiếu khá mạnh. Tiêu biểu là TCB. Thanh khoản tốt nhất thị trường với 20,1 triệu cổ phiếu, trị giá 1.156,3 tỷ đồng, TCB có phiên kiểm định đỉnh lịch sử khá mạnh. Đỉnh giá cao nhất TCB đạt được là 58.600 đồng hôm 6/7 và mức đóng cửa cao nhất là 58.000 đồng hôm 5/7. Sáng nay TCB tăng vọt 3,36% lên 58.500 đồng lúc 10h45 nhưng sau đó tụt xuống. Chốt phiên giá còn 57.700 đồng, tăng 1,94%.
Dù không duy trì được độ cao nhưng TCB vẫn là trụ mạnh nhất trong nhóm ngân hàng và trên toàn thị trường. Gần 1,2 điểm TCB cộng cho VN-Index và khoảng 3,3 điểm cho VN30-Index tạo nên sự khác biệt giữa hai chỉ số. Trong khi đó các mã ngân hàng còn khá rất kém: TPB, VIB là hai cổ duy nhất tăng cùng TCB, còn lại ACB giảm 0,28%, BID giảm 1,09%, CTG giảm 0,65%, EIB giảm 0,85%, HDB giảm 0,14%, LPB giảm 0,33%, STB giảm 0,17%, VCB giảm 2,25%, VPB giảm 0,58%.
VCB đang là cổ phiếu tệ nhất thị trường và khiến VN-Index mất tới 2,4 điểm. Trụ này rời đỉnh một cách chóng vánh và trong 7 phiên gần nhất đã bốc hơi 6,8% giá trị.
Rổ VN30 chốt phiên sáng chỉ có 7 mã tăng và 20 mã giảm, độ rộng đảo chiều rất đáng kể khi vài chục phút trước khi đến giờ nghỉ, vẫn còn 21 cổ phiếu tăng giá, chỉ 8 mã giảm. Có thể do thời gian còn ngắn nên biên độ đảo chiều của các blue-chips chưa quá nhiều, tuy vậy cũng tới 20 mã đã mất trên 1% so với đỉnh. NVL đang giảm 4,33% so với tham chiếu là cổ phiếu xấu nhất rổ VN30.
Độ rông chung trên sàn HoSE cũng phản ánh nhịp điệu giao dịch giống VN30. Khi VN-Index hồi tốt nhất, sàn này có 131 mã tăng/196 mã giảm. Đến cuối phiên sáng độ rộng chỉ còn 110 mã tăng/239 mã giảm. Gần 120 cổ phiếu đang giảm trên 1% so với tham chiếu.
Diễn biến thị trường sáng nay có thể coi là khá tích cực khi chứng khoán quốc tế có một đêm “khó ngủ”. Chứng khoán châu Á phiên sáng nay cũng đỏ rực. Hôm nay cũng là lượng hàng bắt đáy phiên ngày 6/7 về tài khoản. Tuy nhiên sáng thứ Hai tuần tới mới là ngày hàng rẻ nhất về. Do đó thị trường có lý do để thận trọng.
Thị trường cũng đón nhận thêm một số thông tin kết quả kinh doanh, nhưng phản ứng của giá là không đáng kể. Điều này tiếp tục thể hiện mức độ thận trọng cao và kết quả kinh doanh không còn được chú ý nhiều nữa.
Điểm tốt là nhà đầu tư nước ngoài lại mua ròng nhẹ 198 tỷ đồng trên sàn HoSE. Không có giao dịch bán đặc biệt nào, VPB, NVL và chứng chỉ quỹ E1VFMVN30 bị bán ròng nhiều nhất. Phía mua áp đảo với HPG, VHM, MBB, HCM, CTG, GEX, đều trên 20 tỷ đồng ròng.