Phiên đối thoại có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; bà Amina Mohammed, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (UN); cùng các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Trưởng đoàn, Đại sứ, quan chức cấp cao, đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực, các viện nghiên cứu, hiệp hội doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia, cùng lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam.
HỢP TÁC CÔNG - TƯ LÀ CHÌA KHÓA CỦA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Phát biểu tại phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng không một quốc gia nào có thể đơn độc ứng phó hiệu quả với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên hay các vấn đề phát triển bền vững đang hiện hữu. Đây là những vấn đề mang tính xuyên biên giới, đòi hỏi sự chung tay hợp tác của toàn thể cộng đồng quốc tế.
“Những thách thức hiện nay là các vấn đề toàn cầu, toàn diện và có ảnh hưởng đến mọi người dân. Do đó, cách tiếp cận cần phải linh hoạt, sáng tạo, thích ứng nhanh với những biến động không ngừng của thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, vai trò thiết yếu của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư quốc tế trong hành trình chuyển đổi xanh, hướng tới tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam đang cam kết mạnh mẽ trong việc tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài.
“Việt Nam đang thực hiện công cuộc cải cách hành chính sâu rộng, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản các đầu mối, hướng đến một chính phủ hiệu quả. Việc này sẽ tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính, giảm bớt rào cản cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý đến mô hình hợp tác công - tư (PPP) đóng vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ trong quá trình chuyển đổi xanh mà còn trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Đây được xem là một hướng đi hiệu quả nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển bền vững.
Theo Thủ tướng, ở một số mô hình hợp tác công - tư, phần vốn có thể đến từ khu vực công, tức là đầu tư của Nhà nước, nhưng việc vận hành, quản lý dự án hoàn toàn có thể giao cho khu vực tư nhân - nơi có kinh nghiệm, năng lực quản trị linh hoạt và hiệu quả hơn. Sự phối hợp giữa nguồn lực Nhà nước và sự năng động của doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng, giúp triển khai các dự án nhanh hơn, tiết kiệm hơn và mang lại giá trị thực chất hơn cho nền kinh tế và người dân.
Tuy nhiên, quy mô và tính phức tạp của những vấn đề này đòi hỏi sự chung tay góp sức của tất cả các bên liên quan, không một chính phủ hay một doanh nghiệp đơn lẻ nào có thể tự mình giải quyết được các thách thức này. Đây chính là lúc vai trò của hợp tác công - tư trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Phát biểu tại phiên đối thoại, bà Amina Mohammed, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (UN), khuyến nghị các nền kinh tế mới nổi cần đẩy mạnh nỗ lực hơn nữa để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) vào năm 2030. Điều này không chỉ đòi hỏi sự quyết tâm chính trị, mà còn cần những khoản đầu tư lớn vào các mô hình phát triển mới - đặc biệt trong các lĩnh vực thiết yếu như hạ tầng năng lượng xanh và mạng lưới điện thân thiện với môi trường.
Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (UN) nhấn mạnh rằng việc tăng cường hợp tác công - tư là yếu tố then chốt trong hành trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu. Những thách thức hiện nay vượt quá khả năng giải quyết đơn lẻ của bất kỳ chính phủ hay doanh nghiệp nào. Vì vậy, sự hợp tác là điều tất yếu.
Trong mối quan hệ đối tác này, khu vực công giữ vai trò kiến tạo, xây dựng khuôn khổ pháp lý, chính sách tài khóa phù hợp, cung cấp các công cụ tài chính cũng như bảo đảm lợi ích công cộng và khả năng triển khai các dự án quy mô lớn.
Trong khi đó, khu vực tư nhân mang đến tính linh hoạt, khả năng huy động vốn, công nghệ hiện đại và tinh thần đổi mới sáng tạo. Chỉ bằng cách phối hợp chặt chẽ, hai khu vực mới có thể dung hòa giữa mục tiêu lợi nhuận với các ràng buộc về môi trường, xã hội và phát triển, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, phát triển kinh tế tuần hoàn, phục hồi thiên nhiên và chuyển đổi số bao trùm.

“Để đối tác công - tư phát huy hiệu quả, cần tạo ra những cơ chế động lực rõ ràng, thúc đẩy các dự án có tính thanh khoản cao, hấp dẫn các dòng vốn đầu tư, phát triển năng lực địa phương, và mang lại lợi ích hài hòa cho tất cả các bên tham gia”, bà Amina Mohammed nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Francesco Corvaro, Đặc phái viên biến đổi khí hậu Italia, cho rằng hợp tác công – tư không chỉ là một phương thức huy động nguồn lực, mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong tiến trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Theo ông, mô hình này không chỉ phát huy hiệu quả tại những quốc gia phát triển như Italy, mà còn đặc biệt phù hợp với bối cảnh và nhu cầu của các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam), nơi mà nguồn lực tài chính công còn hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư cho hạ tầng xanh, năng lượng sạch và công nghệ thân thiện với môi trường ngày càng tăng cao.
KINH NGHIỆM THÚC ĐẨY CÔNG - TƯ TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thúc đẩy hợp tác công – tư trong quá trình phát triển bền vững, ông Corvaro cho biết tại Italy, chính phủ đóng vai trò đầu tàu trong việc định hướng và dẫn dắt dòng vốn đầu tư.
Chính nhờ vai trò chủ động này, khu vực tư nhân đã được mở rộng cánh cửa tham gia vào các lĩnh vực then chốt như năng lượng tái tạo, công nghệ xanh và phát triển đô thị thông minh. Những nỗ lực đó không chỉ góp phần tái cấu trúc hệ thống năng lượng quốc gia mà còn tạo ra hàng loạt cơ hội việc làm mới cho giới trẻ - lực lượng nòng cốt cho một tương lai xanh và bền vững.
Ông Corvaro cũng nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của chính quyền địa phương trong việc triển khai mô hình hợp tác công – tư. Lấy ví dụ từ thành phố Milan, ông cho biết, việc hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt trong phát triển hệ thống giao thông công cộng bền vững – một hướng đi mà Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo và áp dụng.
“Chuyển đổi xanh đòi hỏi nguồn lực rất lớn, có thể lên đến hàng trăm triệu USD, trong khi nguồn lực công là có hạn. Do đó, việc xây dựng các chính sách công thuận lợi sẽ là chìa khóa để thu hút khu vực tư nhân cùng tham gia vào hành trình này,” ông Corvaro nhấn mạnh.
Một khía cạnh quan trọng khác được ông Corvaro đề cập là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ mới. Ông cảnh báo, nếu không đầu tư bài bản vào thế hệ trẻ ngay từ bây giờ, nhân loại sẽ khó đạt được các mục tiêu khí hậu cũng như xây dựng một tương lai phát triển bền vững.

Cùng góc nhìn với ông Corvaro, ông Alejandro Dorado, Cao ủy về Kinh tế tuần hoàn của Tây Ban Nha, cho biết Tây Ban Nha hiện là một ví dụ điển hình về triển khai hợp tác công - tư hiệu quả. Thông qua việc huy động hơn 80 tỷ Euro từ Quỹ Phục hồi châu Âu, Tây Ban Nha đã phân bổ khoảng 30 tỷ Euro cho khu vực tư nhân thông qua các dự án chiến lược PERTE, nhằm đầu tư vào các lĩnh vực xanh và bền vững.
Cụ thể, các khoản đầu tư tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm như: năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng và hydro xanh (gần 11 tỷ Euro); giảm phát thải công nghiệp (3,1 tỷ Euro); số hóa trong quản lý tài nguyên nước (3,5 tỷ Euro); phát triển xe điện (hơn 4,2 tỷ Euro); và kinh tế tuần hoàn (gần 500 triệu Euro).
Cũng tại phiên đối thoại, đại diện các doanh nghiệp quốc tế và nhiều doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam đã chia sẻ tầm nhìn phát triển bền vững của mình. Tất cả đều nhất trí rằng, hợp tác công - tư chính là yếu tố then chốt giúp họ hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi xanh và hướng tới một nền kinh tế phát triển hài hòa, bao trùm và bền vững hơn.