Trước đó, ông có ý định hủy bỏ thương vụ này do nghi ngờ các con số liên quan tới tài khoản ảo trên Twitter và rơi vào cuộc chiến pháp lý với công ty này.
Chỉ vài ngày trước khi phiên xét xử đầu tiên diễn ra, ông Musk thông báo sẽ lại tiếp tục triển khai thương vụ với mức giá đề nghị ban đầu là 54,2 USD/cổ phiếu, theo một báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Mỹ đầu tuần này. Giá cổ phiếu Twitter lập tức tăng vọt 22% trong phiên giao dịch ngày 4/10. Kể từ khi thương vụ được công bố lần đầu tiên vào ngày 25/4, mã này đã giảm khoảng 24% so với mức giá đề nghị của ông Musk.
Theo Wall Street Journal, đối với ông Musk – người trước đó công khai chỉ trích tốc độ và định hướng đổi mới của Twitter, đây là một quyết định gây bất ngờ lớn với những người liên quan và giới đầu tư. Do giá cổ phiếu Twitter đã giảm đáng kể, vị tỷ phú này sẽ phải trả mức giá cao hơn so với giá trị thị trường.
Mức giá đề nghị ban đầu 54,2 USD/cổ phiếu của Musk có vẻ được đưa ra không đúng thời điểm, khi mà thị trường quảng cáo trực tuyến đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Cổ phiếu của các hãng công nghệ lớn như Alphabet (công ty mẹ Google), Faceboo và Snapchat đều giảm bình quân 34% kể từ khi thương vụ Twitter được công bố.
Ước tính, nếu cổ phiếu Twitter diễn biến theo xu hướng của Nasdaq trước khi ông Musk bày tỏ sự quan tâm tới công ty này, thì cổ phiếu này hiện có thể đang giao dịch ở mức khoảng 30 USD – thấp hơn 45% so với mức giá đề nghị của vị tỷ phú.
“Twitter đang chết dần” là dòng tweet được ông Musk đăng tải hồi tháng 4. Điều này ngược lại với kết quả một khảo sát của công ty nghiên cứu Pew Research rằng gần 70% nhà báo Mỹ sử dụng Twitter để phục vụ công việc của mình, dù chỉ có khoảng 25% người trưởng thành Mỹ cho biết đang dùng Twitter. Dù thế nào, Twitter cũng là mạng xã hội mà nhiều người Mỹ tìm đến để xem các tin tức mới nhất.
Trên thực tế, việc ông Musk đặt ra câu hỏi nói trên cho thấy rằng ông đang nhìn nhận nhiều vấn đề tồn tại của Twitter. Mục tiêu ban đầu của ông với thương vụ này là tạo ra sự thay đổi, để khai phóng “tiềm năng phi thường” của Twitter, trở thành một nền tảng của tự do dân chủ, tự do ngôn luận… Musk ước tính Twitter có thể đạt 1 tỷ người dùng trong vòng 5-10 năm tới nếu ông thành công.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy Twitter đang tụt hậu so với các đối thủ về quảng cáo và mọi thứ được cho là càng tồi tệ hơn kể từ khi ông Musk bắt đầu quan tâm tới mạng xã hội này.
Tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến quý 2 của Google, Facebook, Amazon, Twitter, Snapchat và Pinterest chỉ tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của các nền tảng này đã giảm khoảng 20 điểm phần trăm trong 6 tháng qua. Twitter và một số công ty đối thủ như Snap Inc. và Meta Platforms đã tạm dừng tuyển dụng. Do đó, theo giới nhà phân tích, với quyết định hồi sinh thương vụ Twitter, ông Musk khó có thể tránh khỏi “nước sôi lửa bỏng”.
“Kể cả khi các vấn đề tài chính của Twitter không được công khai trước công chúng, một Twitter do tư nhân nắm giữ sẽ cần phải chứng minh được hoạt động kinh doanh sinh lời tốt. Vì vậy, nếu Musk hoàn tất thương vụ này - dù điều chưa thực sự chắc chắn với tính cách của ông - tỷ phú này sẽ sớm nhận ra rằng mua một chiếc loa lớn nhất thế giới thì dễ nhưng để vận hành nó thì không hề đơn giản”, tờ Wall Street Journal nhận định.
Ngoài các vấn đề ở Twitter, tại hãng xe điện Tesla nơi ông Musk đang là CEO, tương lai sóng gió cũng khó tránh khỏi. Bởi kể từ tháng 4 khi Musk thông báo thương vụ Twitter, giá cổ phiếu Tesla đã giảm mạnh do nhà đầu tư lo ngại tỷ phú giàu nhất thế giới sẽ xao nhãng nhiệm vụ ở Tesla.
Tính tới ngày 1/4 đến ngày 30/9, cổ phiếu Tesla đã mất khoảng 27% giá trị. Sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 3 không đạt dự báo của Phố Wall hôm Chủ nhật (2/10), trong phiên giao dịch đầu tuần, mã này tiếp tục giảm hơn 8,61%, xuống còn 242,4 USD/cổ phiếu. Đây là mức thấp nhất kể từ phiên giao dịch ngày 19/7.