Báo cáo tình hình thị trường lao động trong tháng 6 của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội), cho thấy thị trường lao động Thủ đô tiếp tục đà phục hồi và phát triển theo chiều hướng bền vững, trong bối cảnh nền kinh tế Hà Nội xuất hiện nhiều điểm sáng tăng trưởng.
PHẦN LỚN NGƯỜI TÌM VIỆC LÀ LAO ĐỘNG TRẺ
Theo số liệu tổng hợp từ Cục Thống kê TP. Hà Nội, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tính đến thời điểm cuối tháng 6 ước tăng 0,3% so với tháng trước, và tương đương so với cùng thời điểm năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình tuyển dụng của các doanh nghiệp, trong tháng 6, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ước tính nhu cầu tuyển dụng với khoảng hơn 46.000 vị trí.
Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin trên 6.000 việc làm trống của 1.743 doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các nhóm ngành như: Hoạt động dịch vụ khác, chiếm khoảng 46,86%, tiếp đến ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành giáo dục đào tạo.
Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là vị trí nhân viên dịch vụ và bán hàng, số này chiếm 40,13%, tiếp đến là vị trí nhân viên trợ lý văn phòng.
Đáng chú ý, ngành công nghệ thông tin tại Hà Nội đang trở thành một điểm nóng, với sự phát triển của các công ty công nghệ địa phương và quốc tế. Nhu cầu tuyển dụng lao động trong tháng 6 ở lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm khoảng 8,87%, với trên 300 vị trí việc làm trống.
Một số vị trí hot mà các công ty công nghệ thông tin thường tuyển dụng là lập trình viên Full-stack, chuyên gia An toàn thông tin (Security Engineer), chuyên gia công nghệ Blockchain, chuyên viên trí tuệ nhân tạo (AI Engineer), kỹ sư phần mềm nhúng, chuyên viên UX/UI (User Experience/User Interface).
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết tháng 6 hằng năm là thời điểm mà hoạt động tìm việc diễn ra sôi động. Do đây là thời gian kết thúc năm học và các học viên, sinh viên tốt nghiệp từ các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố sẽ bắt đầu tìm kiếm việc làm.
Điều này tạo ra cơ hội tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao cho các doanh nghiệp. Song cũng đồng thời tạo ra áp lực cạnh tranh trên thị trường lao động.
Theo số liệu khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong tháng 6, ước tính người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm khoảng hơn 16.500 người.
Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin 1.120 hồ sơ người tìm việc, chủ yếu tập trung ở nhóm tuổi từ 25- 34 tuổi, chiếm 45,18%, nhóm từ 35 tuổi trở lên chiếm 40,8%; còn lại là nhóm từ 15 - 24 tuổi.
Là nhóm lao động trẻ, phần lớn là những người mới ra trường hoặc có ít năm kinh nghiệm, trong nhóm lao động từ 15 - 24 tuổi chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo (chiếm 2/3 số lao động từ 15 – 24 tuổi) chủ yếu tìm các công việc như, công nhân sản xuất, công nhân lắp ráp, nhân viên bán hàng...
Trình độ chuyên môn kỹ thuật của người tìm việc tập trung chủ yếu ở nhóm chưa qua đào tạo, chiếm 40,13%, vào các công việc như: Công nhân sản xuất, nhân viên bán hàng. Tiếp đến là trình độ công nhân kỹ thuật không bằng cấp, tập trung tìm kiếm việc làm ở các công việc như thợ lắp ráp, vận hành máy móc, công nhân kỹ thuật...
Trong tháng 6, mức lương mong muốn của người lao động chủ yếu là từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng, chiếm gần 74% (trong tháng 5, có đến 90,48% người tìm việc mong muốn mức lương này), từ 10 - 20 triệu đồng chiếm 17,14%. So với tháng 5, số người tìm việc lương từ 10 - 20 triệu đồng tăng đáng kể, từ 5,75% lên 17,14%.
BÍ KÍP ĐỂ TÌM VIỆC CÓ MỨC LƯƠNG CAO
Để tìm được việc làm tốt và có mức lương cao trong bối cảnh của xu hướng tuyển dụng mới sau đại dịch, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành lưu ý người lao động cần nâng cao kỹ năng và chuyên môn.
Đầu tiên và quan trọng nhất, hãy đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng và kiến thức của bản thân. Điều này có thể thông qua việc tham gia các khoá đào tạo, chứng chỉ nghề nghiệp, hoặc học về các công nghệ mới.
Theo đó, người lao động có thể cần thay đổi và phát triển một số kỹ năng như kỹ năng kỹ thuật và công nghệ. Hiện nay, công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, vì vậy việc nắm vững kỹ năng kỹ thuật và công nghệ mới là quan trọng. Điều này bao gồm sử dụng các công cụ và phần mềm mới, kiến thức về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn.
Kỹ năng sáng tạo: Sự sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề sẽ trở thành một yếu tố quan trọng trong môi trường làm việc đầy biến động. Khả năng tư duy linh hoạt và đổi mới sẽ giúp người lao động thích ứng với các thách thức mới.
Kỹ năng quản lý thời gian và tự quản lý. Theo ông Thành, đối với một thị trường lao động năng động như Hà Nội, khả năng quản lý thời gian và tự quản lý là quan trọng đề có thể hoàn thành công việc đúng hạn và hiệu quả.
Ngoài ra là các kỹ năng về tiếng Anh; kỹ năng quản lý stress và thích ứng; kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm…
Bên cạnh đó, người lao động nên theo đuổi ngành nghề có nhu cầu cao. Đó là tìm hiểu và chọn lựa các ngành nghề đang có nhu cầu lớn trên thị trường lao động.
Hay sử dụng mạng lưới và kết nối của mình để tìm kiếm cơ hội việc làm. Tham gia các sự kiện mạng lưới, diễn đàn chuyên ngành, và tận dụng các mối quan hệ để tìm kiếm thông tin và cơ hội việc làm. Hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội có mạng lưới thông tin đa dạng phủ rộng khắp các quận, huyện, từ đó có thể nhanh chóng kết nối người lao động với doanh nghiệp phù hợp.
Điều quan trọng nữa là cần đảm bảo rằng hồ sơ, CV được cập nhật và phản ánh đầy đủ kinh nghiệm, kỹ năng, và thành tựu của bản thân. Sử dụng từ ngữ và cấu trúc phù hợp với vị trí mong muốn ứng tuyển.