Báo cáo mới công bố Ước tính toàn cầu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về lao động di cư ra nước ngoài cho thấy, trong năm 2019, lao động di cư ra nước ngoài chiếm gần 5% lực lượng lao động toàn cầu, khiến họ trở thành một phần không thể tách rời của nền kinh tế thế giới.
Theo ước tính của ILO, số người lao động di cư ra nước ngoài trên toàn cầu đã lên đến 169 triệu người, tăng 3% kể từ năm 2017.
Tỷ lệ lao động di cư trẻ tuổi (15-24 tuổi) cũng tăng gần 2%, tương đương 3,2 triệu người, kể từ năm 2017, đạt mức 16,8 triệu người vào năm 2019.
Tuy nhiên, nhiều lao động di cư vẫn thường phải làm những công việc tạm thời, phi chính thức và không được bảo vệ, khiến gia tăng nguy cơ rơi vào tình trạng không ổn định, bị sa thải và sa sút về điều kiện làm việc. Khủng hoảng Covid-19 làm gia tăng những nguy cơ này, đặc biệt là đối với nữ lao động di cư.
“Đại dịch đã làm lộ rõ tình trạng bấp bênh của họ. Lao động di cư thường là đối tượng đầu tiên bị cho nghỉ việc, họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận để được chữa trị và họ thường không được đưa vào diện điều chỉnh của các chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19,” bà Manuela Tomei, Vụ trưởng Vụ Điều kiện làm việc và bình đẳng của ILO, cho biết.
Báo cáo của ILO cũng cho thấy, hơn 2/3 số lao động di cư ra nước ngoài tập trung tại các nước có thu nhập cao. Trong tổng số 169 triệu lao động di cư ra nước ngoài có đến 63,8 triệu (37,7%) làm việc tại châu Âu và Trung Á. 43,3 triệu người (25,6%) làm việc tại châu Mỹ.
Như vậy, tính trên tổng số lao động di cư ra nước ngoài, tỷ lệ lao động di cư tại châu Âu, Trung Á và châu Mỹ chiếm 63,3%.
Đối với các quốc gia Ả-rập và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mỗi khu vực hiện tiếp nhận khoảng 24 triệu lao động di cư, tổng cộng tương đương với 28,5% tổng số lao động di cư. Châu Phi hiện tiếp nhận 13,7 triệu lao động di cư, chiếm 8,1%.
Phần lớn lao động di cư là nam giới, với 99 triệu người và hiện số lao động nữ di cư là 70 triệu.
Cũng theo ILO, tỷ lệ người trẻ di cư ra nước ngoài làm việc đã tăng từ 8,3% năm 2017 lên 10% năm 2019. Tỷ lệ này tăng lên có lẽ có liên hệ với tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cao ở nhiều nước đang phát triển. Phần lớn lao động di cư (86,5%) ở độ tuổi trưởng thành (25-64 tuổi).
Ở nhiều khu vực, lao động di cư ra nước ngoài chiếm một tỷ trọng quan trọng trong lực lượng lao động, là nguồn đóng góp sống còn cho xã hội và nền kinh tế của các nước tiếp nhận lao động. Họ đảm nhận những công việc thiết yếu trong các lĩnh vực trọng yếu như chăm sóc y tế, giao thông, dịch vụ, nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Theo báo cáo, 66,2% lao động di cư làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, 26,7% trong lĩnh vực công nghiệp và 7,1% làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, có sự khác biệt giới đáng kể giữa các lĩnh vực khác nhau. Phụ nữ chiếm số đông trong lĩnh vực dịch vụ, trong khi lĩnh vực công nghiệp tiếp nhận nhiều lao động nam hơn.
“Các chính sách về lao động di cư sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi được xây dựng dựa trên bằng chứng thống kê vững chắc. Những chính sách này có thể giúp các nước đáp ứng được những thay đổi trong cung và cầu lao động, khuyến khích đổi mới và phát triển bền vững cũng như chuyển giao và cập nhật kỹ năng”, ông Rafael Diez de Medina, Chuyên gia thống kê trưởng kiêm Vụ trưởng Vụ Thống kê của ILO cho biết.