Chiều 27/11 với 453/456 đại biểu tán thành Quốc hội đã thông qua nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Mục tiêu chương trình là làm tốt và nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy của toàn xã hội từ cơ sở, từng địa bàn, từng gia đình, từng người dân, nhất là với người có nguy cơ cao, thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động nhằm giảm mạnh số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; giữ vững, mở rộng và tiến tới các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không có ma túy.
Theo đó, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030 gồm, hằng năm, giảm số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; phấn đấu đến năm 2030 đạt ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không ma túy.
Phấn đấu 100% các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy và 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy được phát hiện và triệt phá;
Trên 80% các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy;
Hằng năm số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới đường bộ, tuyến đường biển, đường hàng không, chuyển phát nhanh tăng trên 3%; số vụ phạm tội về ma túy có tổ chức xuyên quốc gia được phát hiện, bắt giữ tăng trên 3%; số vụ phạm tội lợi dụng không gian mạng được phát hiện, triệt phá tăng trên 5%.
Trên 80% số trạm y tế cấp xã trên toàn quốc và 100% cơ sở thực hiện cai nghiện ma túy công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện.
Phấn đấu 100% cơ sở thực hiện cai nghiện ma túy công lập bảo đảm điều kiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy; trên 70% xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy bố trí điểm tiếp nhận và tư vấn cai nghiện ma túy đủ điều kiện theo quy định; ít nhất 70% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Trên 80% các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện và cơ quan báo chí có lượng độc giả lớn có chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về phòng, chống ma túy; phấn đấu tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống ma túy cho người học tại 100% nhà trường và trên 70% người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất;
Phấn đấu trợ giúp pháp lý cho 100% số người vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy thuộc diện trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.
Bảo đảm cơ sở vật chất và duy trì điều trị cho ít nhất 50.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện; trên 90% người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy được tư vấn, hỗ trợ và can thiệp về y tế, tâm lý.
Quốc hội quyết định, tổng vốn thực hiện Chương trình tối thiểu là 22.450,194 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương tối thiểu: 17.725,657 tỷ đồng. Bao gồm vốn đầu tư phát triển: 9.827 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 7.898,657 tỷ đồng.
Vốn ngân sách địa phương: 4.674,537 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư phát triển: 2.451 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 2.223,537 tỷ đồng. Vốn huy động hợp pháp khác: tối thiểu 50 tỷ đồng.
Quốc hội quyết định tổng mức dự toán cho Chương trình, Thủ tướng Chính phủ giao tổng dự toán cho cấp tỉnh và điều chỉnh khi cần thiết; cấp tỉnh chịu trách nhiệm phân bổ cho cấp huyện trên cơ sở nguyên tắc phân cấp, phân quyền. Chính phủ tăng cường đôn đốc kiểm tra và giám sát để bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Các cơ chế, chính sách đặc thù khác được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh thực hiện Chương trình.
Nghị quyết nêu rõ, trong quá trình thực hiện, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương trình cấp có thẩm quyền xem xét ưu tiên bổ sung vốn cho Chương trình.
Việc bố trí ngân sách thực hiện Chương trình bảo đảm không trùng lặp với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác, các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước đã được bố trí đầy đủ từ kinh phí chi thường xuyên hàng năm; có giải pháp lồng ghép nguồn vốn với các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án khác một cách phù hợp; khuyến khích, huy động sự tham gia, đóng góp của các tổ chức, gia đình, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy.