October 19, 2022 | 14:01 GMT+7

Hơn 240 gian hàng tham gia triển lãm Quốc tế ngành lương thực thực phẩm tại TP.HCM

Minh Hà -

Hơn 240 gian hàng và gần 300 doanh nghiệp tham gia Triển lãm Quốc tế ngành lương thực thực phẩm TP.HCM (HCMC FOODEX 2022) diễn ra ngày 19-22/10/2022 tại TP.HCM với chủ đề “Kết nối giá trị cùng phát triển”…

Triển lãm HCMC FOODEX 2022 diễn ra ngày 19-22/10/2022 tại SECC Quận 7, TP.HCM.
Triển lãm HCMC FOODEX 2022 diễn ra ngày 19-22/10/2022 tại SECC Quận 7, TP.HCM.

Sự kiện được chủ trì thực hiện bởi Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), phối hợp tổ chức cùng Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) và Công ty Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm C.I.S Việt Nam.

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI SẢN XUẤT

Tại lễ Khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, khẳng định: Dưới tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua, ngành lương thực thực phẩm thành phố đã gặp nhiều khó khăn và thách thức. Doanh nghiệp cần nhất trong lúc này là các chính sách hỗ trợ xuất khẩu, các hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, khôi phục thị trường để giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

 

"Cần phát huy hiệu quả Chương trình theo hướng mở rộng, đa dạng hóa hơn các nhóm sản phẩm lương thực, thực phẩm tham gia triển lãm, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao.”

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Bùi Xuân Cường.

“Đây là hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, khẳng định uy tín về chất lượng và thương hiệu sản phẩm ngành lương thực thực phẩm của Thành phố đối với khách hàng trong nước và quốc tế. Cần phát huy hiệu quả Chương trình theo hướng mở rộng, đa dạng hóa hơn các nhóm sản phẩm lương thực, thực phẩm tham gia triển lãm, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.

Ngoài ra, định hướng chương trình được tổ chức thường niên hàng năm và có thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế, thu hút không chỉ các doanh nghiệp thành phố mà còn các hợp tác xã, kết nối với các doanh nghiệp của các tỉnh, thành cùng tham gia; quan tâm hỗ trợ giới thiệu nhóm hàng nông sản-thủy sản đạt tiêu chuẩn, các sản phẩm nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và các sản phẩm OCOP.

Theo Ban tổ chức, Triển lãm HCMC FOODEX 2022 có chủ đề “Kết nối giá trị cùng phát triển” với hơn 240 gian hàng và gần 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng góp mặt.

Các doanh nghiệp tham dự sẽ trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm lương thực thực phẩm dạng thô/sơ chế (nông sản, thực phẩm, thủy hải sản,…); nhóm sản phẩm lương thực thực phẩm chế biến sâu; nhóm sản phẩm đồ uống; nhóm nguyên phụ liệu dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm; nhóm máy móc thiết bị sản xuất, đóng gói, bảo quản và các nhóm ngành liên quan.

Theo Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), HCMC FOODEX 2022 là một sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng mang tính chiến lược của Thành phố, của Hội Lương thực Thực phẩm và là một phần không thể thiếu trong các hoạt động hợp tác kinh doanh ngày càng gia tăng, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm Việt Nam mở rộng các hoạt động kết nối giao thương; giới thiệu các sản phẩm mang thương hiệu Việt ra thị trường trong nước, khu vực và quốc tế cũng như tiếp cận, học hỏi và đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất kinh doanh; giúp các doanh nghiệp chủ động trong các khâu nghiên cứu sản phẩm mới chất lượng và an toàn, đủ sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

“Đây cũng là nơi các doanh nghiệp đang hoạt động trong tất cả phân khúc chuỗi giá trị của ngành lương thực thực phẩm trong và ngoài nước có thể tập hợp cùng nhau để thảo luận, trao đổi ý kiến và thiết lập các mối quan hệ chuyên nghiệp”,

HCMC FOODEX 2022 không chỉ là sự kiện chào đón sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn mạnh và các start-up đầy tiềm năng, mà còn nâng tầm giá trị văn hóa ẩm thực của Việt Nam và bạn bè quốc tế; Cơ hội quảng bá các sản phẩm mới nghiên cứu phát triển; Cơ hội nắm bắt, tiếp cận thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả và bền vững.

TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT NGUỒN GỐC THỰC PHẨM

Nằm trong chuỗi hoạt động nhân sự kiện triển lãm nêu trên, Hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam” cũng đã được tổ chức tại TP.HCM ngày 18/10.

 

"Một tín hiệu vui là hiện nay nhận thức về an toàn thực phẩm ngày càng được nâng cao. Vấn đề này hiện không chỉ là mối quan tâm của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý Nhà nước hay những người có thu nhập cao mà là của toàn xã hội, do đó, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là xu thế tất yếu."

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, an toàn thực phẩm là vấn đề diễn ra từng ngày, từng giờ. Do đó, việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của người sản xuất, người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, địa phương hay chỉ là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của các cơ quan Nhà nước mà là việc của mỗi người, của cả xã hội, cộng đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc trưng của ngành sản xuất nông nghiệp là tạo ra nông sản, tác động tới sức khoẻ của rất nhiều người, thậm chí cả một thế hệ. Do đó, các quy định quản lý phải được kiểm soát chặt chẽ, phải làm sao để giấy chứng nhận không đơn thuần là giấy thông hành mà là một tài sản giá trị, một bảo chứng để người nông dân hãnh diện.

"Một tín hiệu vui là hiện nay nhận thức về an toàn thực phẩm ngày càng được nâng cao. Vấn đề này hiện không chỉ là mối quan tâm của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý Nhà nước hay những người có thu nhập cao mà là của toàn xã hội, do đó, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là xu thế tất yếu", Bộ trưởng Hoan cho hay.

Đánh giá về tình hình an toàn thực phẩm tại Việt Nam, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, mặc dù đã từng bước được cải thiện trong những năm gần đây, tuy nhiên do quy mô sản xuất nhỏ, chất lượng không ổn định, thiếu minh bạch nên tỷ lệ vi phạm an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm của nước ta vẫn còn ở mức cao so với các quốc gia phát triển.

"Nguyên nhân cốt lõi là do các chính sách, pháp lý chưa đầy đủ và chưa phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, hạ tầng sản xuất kinh doanh thực phẩm yếu, logistics thiếu, lạc hậu, thiếu minh bạch, không sự chia sẻ giữa các bên và hệ thống giám sát, thanh kiểm tra chưa hiệu quả, chặt chẽ", ông Tiệp khẳng định. 

Còn theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, tính trong 9 tháng đầu năm 2022, Ban đã kiểm tra hơn 6.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có khoảng 10% cơ sở vi phạm. Gần 100 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền là 9,3 tỷ đồng.

Với mặt hàng rau, củ, quả tại các chợ đầu mối, qua kiểm nghiệm kết quả cho thấy có khoảng 10% mẫu sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không đạt chất lượng. Tại các siêu thị hằng ngày đều phải lấy mẫu sản phẩm test nhanh và trả lại hàng cho nhà cung cấp nếu mẫu không đạt chất lượng…

Ngoài ra, số vụ ngộ độc thực phẩm ngày càng giảm dần cả về số lượng, quy mô. Những năm gần đây không có trường hợp ngộ độc thực phẩm với quy mô trên 30 người mắc. Tuy nhiên bà Lan lưu ý, rất khó trong việc kiểm soát bao bì, gian lận đối với mặt hàng rau củ quả. Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng vẫn còn nhiều khó khăn.

Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia đều tán thành tổ chức liên kết sản xuất với tiêu thụ, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ nuôi trồng, chế biến, phân phối, tiêu thụ; trong đó, xác định khâu trọng yếu của chuỗi là các trang trại, hợp tác xã đến các chợ đầu mối và nhà bán lẻ lớn; đồng thời, cần phải chuẩn hóa những khâu trọng yếu này và minh bạch chia sẻ thông tin giữa các bên để cùng nhau giám sát đường đi của thực phẩm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate