Tại tỉnh Thanh Hóa, năm học 2023-2024, có hơn 940.000 học sinh các cấp đã bước vào khai giảng năm học mới.
Sáng 5/9, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng với lãnh đạo Bộ Giáo dục đào tạo, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa ông Đỗ Trọng Hưng dự lễ khai giảng năm học mới 2023-2024 tại Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc (Thanh Hóa).
Năm học 2023-2024, Trường THPT dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc có 18 lớp với khoảng 540 học sinh, chủ yếu là người dân tộc Dao, Mông, Thái, Mường và học sinh người Kinh nhưng sinh sống ở vùng có kinh tế đặc biệt khó khăn. Mặc dù khó khăn, nhưng thuộc tốp 5 của cả tỉnh về kết quả thi đỗ tốt nghiệp THPT.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Thanh Hóa là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đạt điểm 10, và đạt từ 27 điểm trở lên.
Chất lượng giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã có sự thay đổi rõ rệt, giảm chênh lệch giáo dụng giữa các huyện vùng cao với miền xuôi. Đặc biệt, giáo dục khu vực miền núi đã có nhiều kết quả tích cực, với nhiều học sinh đạt các giải cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Tại Nghệ An, hơn 1 triệu giáo viên và học sinh chính thức bước vào năm học mới 2023-2024. Trong đó, có hơn 900.000 học sinh của hơn 1.530 trường học trong toàn tỉnh.
Trước thềm năm học mới, ngành giáo dục Nghệ An đã đề ra 3 nhiệm vụ và giải pháp đột phá. Trong đó, nhiệm vụ chính là đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn; Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, có tầm nhìn và sáng tạo; Chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương, đơn vị trong nước; tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển giáo dục và đào tạo, về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt về chuyển đổi số, ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh đảm bảo mục tiêu kép vừa thay đổi hình thức hoạt động quản lý, quản trị và dạy học, vừa đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao hình thành chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Tại Hà Tĩnh, hơn 362.000 giáo viên, học sinh ở 668 trường học trên địa bàn cùng khai giảng năm học mới.
Lễ khai giảng được tổ chức đảm bảo khoa học, trang trọng, ngắn gọn, ý nghĩa, phù hợp với điều kiện địa phương, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Tùy tình hình thời tiết, việc tổ chức khai giảng được các nhà trường thực hiện ngoài trời hoặc trong nhà đa chức năng.
Trước đó, với sự chỉ đạo của ngành Giáo dục & Đào tạo, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, Hà Tĩnh đã huy động hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục.
Các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh cũng đã tăng cường công tác vệ sinh trường lớp, tập luyện nghi thức, chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, múa hát sân trường để không khí ngày khai giảng diễn ra vui tươi, phấn khởi, tạo ấn tượng sâu đậm trong mỗi giáo viên, học sinh.
Tại Quảng Bình, hơn 233.500 học sinh nô nức đến trường dự lễ khai giảng năm học mới 2023-2024.
Trong năm học này, toàn tỉnh Quảng Bình có 575 trường học (trong đó 561 trường công lập) và trên 233.500 học sinh. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành là hơn 17.400 người.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học của ngành giáo dục Quảng Bình là triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 cấp tiểu học; lớp 6, lớp 7, lớp 8 cấp THCS; lớp 10 và lớp 11 cấp THPT; thực hiện nội dung dạy học lớp 5, lớp 9, lớp 12 Chương trình giáo dục phổ thông 2006 theo hướng tinh giản, phù hợp và tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cùng với việc thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, ngành còn đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.
Trong năm học, ngành sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính. Ngoài việc xây dựng kho học liệu số chia sẻ dùng chung (bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác…), ngành còn khuyến khích phát triển, khai thác dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực GD&ĐT, từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành.
Tại Quảng Trị, năm nay có hơn 177.000 học sinh các cấp đến trường Khai giảng năm học mới 2023-2024. Theo sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, lễ khai giảng của các trường học trên địa bàn tỉnh diễn ra đồng loạt cùng với các trường trong cả nước vào lúc 7h30 sáng.
Năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, toàn tỉnh có 398 trường (trong đó công lập 377 trường, 21 trường tư thục), giảm 1 trường công lập so với năm học 2022 - 2023.
Tính đến ngày 31/8, tại tỉnh Quảng Trị có 177.617 học sinh, trong đó tuyển mới các lớp đầu cấp là 42.748 học sinh; 13.204 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (thiếu 538 người so với định mức).
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế hơn 287.633 học sinh trên toàn tỉnh dự lễ khai giảng, hân hoan bước vào năm học mới 2023-2024.
Chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành công tác sửa chữa, cải tạo, vệ sinh trường lớp. Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế đã kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, kế hoạch giáo dục, các điều kiện sẵn sàng để đón học sinh bước vào năm học mới ở các trường học trên địa bàn. Ngoài việc kiểm tra công tác chuẩn bị đầu năm học, lãnh đạo ngành giáo dục cũng lưu ý các trường về công tác an toàn trong trường học, những vấn đề bạo lực học đường vào đầu năm học với tinh thần phòng ngừa, ngăn chặn, giáo dục; trong đó, phối hợp thật tốt với phụ huynh để phòng ngừa là quan trọng.
Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị từ cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã sẵn sàng. Trong đó, công tác chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10 và lớp 11 cũng như việc tiếp cận Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12 đã được ngành GD&ĐT chỉ đạo sát sao, nghiêm túc đảm bảo đúng kế hoạch, lộ trình và định hướng phát triển của toàn ngành.