Theo Bộ Tài chính, hiện nay, ngoài các hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử lớn trong nước, các hộ, cá nhân còn hoạt động kinh doanh trên các nền tảng cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử nước ngoài như: Booking, Agoda, Airbnb, Tripadvisor... (gọi chung là nền tảng thương mại điện tử dịch vụ lưu trú); các nền tảng nội dung thông tin số, nền tảng mạng xã hội như: Netflix, Spotify (nền tảng thuê bao); Google, YouTube, Facebook, TikTok (nền tảng quảng cáo, mạng xã hội); Apple Store, CH Play (nền tảng kho ứng dụng)...
Đáng chú ý, rất nhiều nhóm đối tượng kinh doanh mới nổi lên là các KOL (người ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội), thường livestream quảng bá và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử hoặc nền tảng số.
Theo thống kê từ hơn 400 sàn thương mại điện tử đã cung cấp dữ liệu cho cơ quan thuế, năm 2024, hơn 300.000 cá nhân kinh doanh thương mại điện tử đóng góp khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng tiền thuế.
Tuy nhiên, vẫn còn một lượng lớn gian hàng chưa xác định được danh tính trên các nền tảng trực tuyến. Cụ thể, 05 sàn lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Grab, hơn 300.000 gian hàng chưa định danh và có doanh thu trên 70.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính khẳng định, nếu các sàn thương mại điện tử thực hiện khấu trừ và nộp thuế thay cho người bán, việc quản lý thuế sẽ minh bạch và chặt chẽ hơn, đặc biệt với các gian hàng chưa định danh.
Tính toán cho thấy, nếu tất cả các gian hàng này đều thuộc cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm và chưa nộp thuế, với mức thuế suất 1,5% (1% VAT và 0,5% thuế thu nhập cá nhân), số thuế thu thêm từ 70 nghìn tỷ đồng doanh thu có thể lên tới hơn 1 nghìn tỷ đồng.
Theo thông tin từ Cục Thuế (Bộ Tài chính), thông qua cơ sở dữ liệu về hoạt động thương mại điện tử trong nước, đến nay đã có hơn 500 nghìn tổ chức và cá nhân kinh doanh từ hơn 400 sàn giao dịch thương mại điện tử, số thuế thu được năm 2024 ước đạt 116.000 tỷ đồng.
Theo quy định tại luật Số 56/2024/QH15, từ 1/4, tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác sẽ phải thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Thực tế, các sàn thương mại điện tử lớn đều có chức năng đặt hàng trực tuyến và thanh toán trực tuyến nắm được đầy đủ các thông tin về người bán (mã số thuế/giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ); thông tin về các giao dịch bán hàng thành công, thông tin về doanh thu, chi phí thông qua sàn của các cá nhân cung cấp hàng hóa.
Bộ Tài chính nhận định, việc quản lý thu thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số do các cục thuế, chi cục thuế (trước sắp xếp) quản lý thu nên chưa thực sự hiệu quả. Do đó, việc yêu cầu các tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử và nền tảng số khấu trừ, nộp thuế thay sẽ giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính cho cá nhân và hộ kinh doanh. Đồng thời, quy định trách nhiệm cung cấp thông tin định danh của người bán, giúp xác định rõ các đối tượng kinh doanh trên sàn.
“Điều này không chỉ tăng cường quản lý thuế mà còn góp phần nâng cao nguồn thu ngân sách từ hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, đặc biệt với các gian hàng chưa định danh trước đây”, Bộ Tài chính cho hay.