August 13, 2021 | 20:47 GMT+7

Hơn 300 doanh nghiệp Hà Nội dừng hoạt động do dịch Covid-19

Nhật Dương -

Trên địa bàn TP.Hà Nội đến nay đã có 330 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, 1.486 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động do dịch Covid-19…

Hà Nội đã xác định nhiều trường hợp công nhân dương tính với  SARS-CoV-2. Ảnh minh họa.
Hà Nội đã xác định nhiều trường hợp công nhân dương tính với SARS-CoV-2. Ảnh minh họa.

Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội ngày 13/8 cho biết, trong tuần qua, tình hình dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tiếp tục xuất hiện các ca nhiễm mới.

Tổng cộng trong đợt dịch thứ 4 này, đến nay trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã xác định 99 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 là công nhân lao động.

Trong đó, công ty SEI 80 F0; Công ty MOLEX 1 F0; doanh nghiệp cơ khí Hồng Xuân 1 F0; Công ty Thời trang Star 11 F0; Công ty TOTO Việt Nam - chi nhánh Hưng Yên 2 F0; Công ty TNHH điện tử Meiko Thăng Long 1 F0; Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam - Hà Nội 1 F0; Công ty Denso 1 F0; Công ty HAL Việt Nam 1 F0.

Theo thống kê của 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, hiện nay đã có số lượng lớn đoàn viên, người lao động thuộc diện từ F0 đến F4. Từ đầu năm tới nay có 304 F0 (tăng 34 người so với tuần trước, nhưng có 5 trường hợp khỏi bệnh và đã xuất viện cách ly tại nhà). Đồng thời, có 2.989 F1 (giảm 16), 9.048 F2 (tăng 207), 18.018 F3 và F4 (giảm 67).

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đến thời điểm này trên địa bàn TP.Hà Nội đã có 330 doanh nghiệp phải dừng hoạt động (tăng 40 doanh nghiệp so với tuần trước); 1.486 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động.

Tổng cộng có 7.237 công nhân lao động đã bị mất việc làm, đồng thời 35.871 công nhân lao động bị thiếu việc làm.

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính đến hết ngày 12/8, toàn thành phố đã có quyết định hỗ trợ an sinh xã hội cho 1,5 triệu người lao động, người sử dụng lao động với tổng số tiền hơn 174 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ chính sách đặc thù, thành phố và các địa phương đã hỗ trợ tiền, lương thực, thực phẩm trị giá gần 30 tỷ đồng cho gần 40.000 hộ gia đình và người dân có hoàn cảnh khó khăn không thuộc đối tượng thụ hưởng từ gói an sinh xã hội. 

Đến thời điểm này, tổng số tiền các cơ quan chức năng, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã hỗ trợ cho người dân, người lao động ảnh hưởng vì dịch Covid-19 là hơn 200 tỷ đồng.

Riêng đối với nhóm lao động bị mất việc làm, ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tại Nghị quyết 68 cũng quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho người lao động từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng với tổng kinh phí dự kiến là 4.500 tỷ đồng.

Theo dự báo của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), trong bối cảnh số ca nhiễm không ngừng tăng lên, vượt các kịch bản của y tế trước đó thì nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lan rộng trên toàn quốc là rất dễ xảy ra. Thị trường lao động Việt Nam đang tồn tại tiềm ẩn nguy cơ mang tính dài hạn cả về phía cung lẫn cầu lao động.

Vì vậy, nhóm giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động trong thời gian phòng, chống dịch cần được rà soát sửa đổi kịp thời và tích cực triển khai hiệu quả hơn.

Trong đó, cần ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate