June 04, 2022 | 21:09 GMT+7

Hơn 4 tháng, tín dụng bất động sản tăng 10,19%

Tín dụng bất động sản là đối tượng được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ, tuy nhiên chỉ ở những dự án phân khúc lớn, những dự án có tính chất đầu cơ, thậm chí có tính chất lũng đoạn giá...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra vào chiều 4/6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tín dụng bất động sản trong thời gian gần đây có tăng trưởng nhưng ở mức bình thường. Đến giữa tháng 4/2022, tín dụng bất động sản tăng và đạt dư nợ là 2.288 nghìn tỷ đồng, mức tăng đạt 10,19% so với cuối năm 2021.

Như vậy, tổng dư nợ của tín dụng bất động sản chiếm 19,16% tổng dư nợ của nền kinh tế, trong đó tổng dư nợ của tín dụng bất động sản bị kiểm soát chặt chiếm 1/3. Tín dụng tạo điều kiện chiếm 2/3 tổng dư nợ tín dụng bất động sản. 

Theo ông Tú, gần đây có một số phương tiện thông tin đại chúng và một số chuyên gia hay dùng từ "siết tín dụng" bất động sản.

Tuy nhiên, ông Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ phát ngôn hay có văn bản nào sử dụng từ "siết tín dụng" đối với lĩnh vực nói trên. Từ trước tới nay, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước vẫn theo tinh thần kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn như bất động sản, chứng khoán.

Mặc dù, bất động sản cũng là đối tượng được kiểm soát chặt chẽ nhưng chỉ ở những dự án phân khúc lớn, những dự án có tính chất đầu cơ, thậm chí có tính chất lũng đoạn giá.

"Chính vì vậy, chúng tôi vẫn thấy đây là quan điểm cũng như tinh thần chỉ đạo từ trước đến nay và tiếp tục được thực hiện trong năm 2022 và những năm tiếp theo", ông Tú nêu.

Riêng đối với tín dụng ở những lĩnh vực tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh vẫn được khuyến khích, như tập trung vào phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Thực tế, trong Nghị định 31 hay Thông tư 03 vừa ban hành đều có hướng dẫn hỗ trợ 2% lãi suất cho tất cả các đối tượng thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, hoặc cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục do Bộ Xây dựng đề xuất.

"Điều này chứng tỏ rằng không phải tất cả lĩnh vực bất động sản đều bị siết chặt tín dụng và không có nghĩa rằng nguồn cung bất động sản bị thiếu do bị siết tín dụng," Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Trước đó, khi trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề tín dụng bất động sản, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, hiện có đến 70% tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng là bất động sản.

“Ngành kinh doanh bất động sản đang rất khó khăn nhưng giá bất động sản đã tăng gấp mấy lần so với trước và khi giá giảm mạnh, ai sẽ phải chịu rủi ro? Nếu cứ cho vay nhiều, đến khi không thể bán được, sẽ cực kỳ khó khăn nên phía ngân hàng cũng xem xét cho vay bất động sản hết sức thận trọng", ông Hùng nói.

Không chỉ vậy, theo ông Hùng, nếu thị trường bất động sản “đóng băng”, không chỉ ảnh hưởng đến tín dụng bất động sản mà còn ảnh hưởng đến các khoản nợ nói chung bởi lĩnh vực này liên quan đến rất nhiều ngành nghề khác như: điện, xi măng, sắt thép…

Tổng Thư ký VNBA nhấn mạnh: "Đây là ngành rất quan trọng nên phải có sự nhìn nhận đúng đắn, có sự quản lý phù hợp, không nên “siết” như giai đoạn 2009 - 2010 nhưng ngân hàng phải cảnh báo, rà soát...".

Cũng theo vị Tổng Thư ký trên, thời gian tới, nếu qua rà soát các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý phát hiện có sự lập lờ giữa cho vay nhà ở với cho vay kinh doanh bất động sản thì hệ số an toàn của tổ chức tín dụng sẽ sụt giảm rất lớn vì hệ số hệ số rủi ro với tín dụng kinh doanh bất động sản ở mức rất cao, lên đến 200 - 250%.

"Chính sách điều hành tín dụng của ngành Ngân hàng đối với lĩnh vực bất động sản được đánh giá khá linh hoạt. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề siết hay cấm tín dụng bất động sản nhưng luôn có cảnh báo", ông Hùng nêu quan điểm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate