Phần lớn các dự án được trao chủ trương đầu tư lần này là thuộc lĩnh vực bất động sản.
Trong các dự án bất động sản nhà ở có: khu đô thị Green Garden quy mô 37,7ha tại TP.Lạng Sơn do GP.Invest làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng. Đây sẽ là khu đô thị hiện đại, bao gồm nhà thấp tầng, nhà ở xã hội, hệ thống cảnh quan công viên, tiện ích, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và giáo dục…; Khu đô thị Hữu Lũng với quy mô hơn 52,3ha tại huyện Hữu Lũng, tổng vốn đầu tư hơn 1.989 tỷ đồng, do Liên danh công ty cổ phần Trường Thịnh Phát Lạng Sơn và công ty cổ phần Trường Thịnh Phát đầu tư. Mục tiêu nhằm hình thành khu dân cư mới, khu hành chính có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; Khu dân cư khối III thị trấn Cao Lộc gần 12ha, tổng vốn đầu tư 355 tỷ đồng, do công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Quang làm chủ đầu tư nhằm xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cảnh quan khu đô thị, tạo ra sản phẩm bất động sản để bán.
Các dự án bất động sản công nghiệp gồm: dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn 1 do công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore là nhà đầu tư. Dự án này có quy mô diện tích gần 600ha, tổng vốn đầu tư hơn 6.361tỷ đồng, được xây dựng tại các xã Hồ Sơn và HòaThắng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
Ngoài ra, còn hàng loạt cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng như: cụm công nghiệp Bắc Sơn 2 quy mô 25 ha, vốn đầu tư 285 tỷ đồng; cụm công nghiệp Na Dương 1 quy mô 20 ha, vốn đầu tư hơn 212 tỷ đồng; cụm công nghiệp Hồ Sơn 1 gần 74ha, vốn đầu tư 814 tỷ đồng; cụm công nghiệp Hòa Sơn 1 gần 75ha, vốn đầu tư gần 725 tỷ đồng; cụm công nghiệp Đình Lập hơn 71ha, vốn đầu tư hơn 677 tỷ đồng; cụm công nghiệp Na Dương 3 quy mô hơn 50 ha, tổng vốn đầu tư hơn 497 tỷ đồng.
Qua đó, nhằm hình thành các cụm công nghiệp có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo kiến trúc cảnh quan và môi trường khu vực; tạo môi trường thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; thúc đẩy phát triển kinh tế; giải quyết việc làm cho người lao động địa phương; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng của các ngành công nghiệp và dịch vụ…
Tại Hội nghị, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng trao 9 biên bản ghi nhớ đầu tư cho các nhà đầu tư; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Lạng Sơn cũng công bố Danh mục dự án ưu tiên thực hiện trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, có 4 dự án giao thông; 32 dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; 22 dự án khu đô thị, khu dân cư; 12 dự án thương mại – du lịch – dịch vụ; 29 dự án điện năng lượng; 2 dự án y tế; 2 dự án thuỷ lợi…
Nói về chủ trương thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết Lạng Sơn tập trung thu hút đầu tư, trọng điểm là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh; năng lượng tái tạo; các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; các dự án hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, khu, cụm công nghiệp, hạ tầng dịch vụ logistics…
Chủ tịch tỉnh cũng khẳng định Lạng Sơn luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Với mong muốn là điểm đến hấp dẫn, tỉnh cam kết luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, bảo đảm các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công các dự án, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp và của tỉnh trong giai đoạn mới.
“Tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, lấy người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu, động lực, trung tâm của sự phục vụ; quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, tạo đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư dự án trọng điểm, lan tỏa, có khả năng kết nối liên vùng, liên tỉnh về hạ tầng giao thông, khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu”, lãnh đạo Lạng Sơn chia sẻ.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ và các lãnh đạo tỉnh, 29 doanh nghiệp đã trao tài trợ cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lạng Sơn với tổng kinh phí hơn 160 tỷ đồng để xoá 3.210 căn nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Trong đó, GP.Invest tài trợ 8 tỷ đồng để xây dựng 160 căn nhà ở cho hộ nghèo với mong muốn góp sức vào công cuộc xoá đói giảm nghèo và cải thiện điều kiện sống của người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.