January 16, 2023 | 13:24 GMT+7

Hơn 53.000 lao động mất việc do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng

Nhật Dương -

Tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp khó khăn bị cắt giảm đơn hàng  là trên 637.000 người, trong đó số bị mất việc là hơn 53.000 người, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin về tình hình thị trường lao động, việc làm trong năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, thị trường lao động phục hồi tích cực, cơ bản các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm đã duy trì được lực lượng lao động ổn định.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,7 triệu người, tăng 1,1 triệu người so với năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2022 ước đạt 68,5%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với năm trước.

Tuy nhiên, từ đầu quý 4/2022 đến nay, một số ngành, lĩnh vực xuất hiện những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ...đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm gây ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng (chiếm khoảng 0,06% tổng số doanh nghiệp), phải cắt giảm việc làm. Trong đó, 65,3% doanh nghiệp FDI, còn lại là dân doanh; 60% doanh nghiệp ở các tỉnh miền Nam; 24% doanh nghiệp ở các tỉnh miền Bắc; 16% doanh nghiệp ở các tỉnh miền Trung. Tập trung ở các ngành nghề: dệt may; da giày; chế biến gỗ; cơ khí công nghiệp phụ trợ...

Tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp là 637.491 người (khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp). Trong đó, số bị mất việc là 53.674 người, chiếm 8,4%; số phải giảm giờ làm trên 359.087 người, chiếm 56,3%, trong đó chủ yếu là làm thêm giờ và giảm giờ làm bình thường; số phải tạm ngừng việc có trả lương là 22.679 người, chiếm 4%; số tạm hoãn hợp đồng lao động là 35.081 người, chiếm 5,5 %; số còn lại, doanh nghiệp sắp xếp theo một số hình thức khác (nghỉ phép năm, kéo dài thời gian nghỉ Tết...).

Trước những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, cắt giảm việc làm của người lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, các doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, cố gắng hạn chế thấp nhất việc sa thải lao động.

Đồng thời, có phương án sắp xếp, bố trí lại lao động, giãn việc, giảm giờ làm hoặc thực hiện phương án sử dụng lao động và giải quyết chế độ đối với người lao động theo quy định.

Các cơ quan lao động địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động, chủ động nắm bắt tình hình, nhất là trên các địa bàn trọng điểm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi các chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động.

Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phải cắt giảm việc làm xây dựng phương án sử dụng lao động và kiểm tra, giám sát việc giải quyết chế độ chính sách cho người lao động đúng quy định. Chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là đối với những người mất việc làm; phối hợp với tổ chức công đoàn hỗ trợ các bên đối thoại, chia sẻ khó khăn; kịp thời giải quyết các tranh chấp lao động, đình công phát sinh, không để xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự.

Để kịp thời ổn định tình hình, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12/2022 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực theo các ngành, lĩnh vực. Qua khảo sát, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khác vẫn cao, doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề vẫn đang đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng.

Về phía tổ chức công đoàn, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, trước tình hình trên, cần nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng, sát thực tế đối với người lao động ở 3 mức độ: bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng, giảm giờ làm.

Thậm chí, có thể tham khảo để ban hành gói hỗ trợ riêng cho người lao động tương tự các chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; bổ sung thêm chính sách hỗ trợ người lao động bị giảm giờ làm việc tiêu chuẩn trong tháng dẫn đến tiền lương trong tháng thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate