Ngày 3/5, TAND TP. Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Đỗ Anh Dũng (cựu Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 6.600 nhà đầu tư.
Ông Dũng kháng cáo với lý do đã khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án và trong quá trình xét xử, ông đều khai báo thành khẩn.
Ngoài ra, tòa án cũng nhận được đơn kháng cáo của một số bị hại, yêu cầu tăng hình phạt đối với các bị cáo và được tính lãi suất trên số tiền bị chiếm đoạt. Trong khi đó, có nhiều nhà đầu tư mong muốn được nhận lại tiền đầu tư trái phiếu của Tân Hoàng Minh ngay sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc.
Do bản án sơ thẩm có kháng cáo nên chưa có hiệu lực thi hành. Đồng nghĩa với việc, hơn 6.600 nhà đầu tư chưa được nhận tiền bồi thường và phải chờ kết quả của phiên tòa phúc thẩm trong thời gian tới.
Luật sư Trịnh Văn Tuyến (Văn phòng luật sư Giang Hồng Thanh) cho biết, nếu tài sản bị chiếm đoạt là vật chất, mang tính chất đặc định như ô tô, xe máy… thì sau khi thu giữ, cơ quan điều tra có thể trao trả cho bị hại ngay trong giai đoạn điều tra. Tuy nhiên, với tài sản bị chiếm đoạt là tiền, có tính chất trộn lẫn, đặc biệt với số lượng bị hại lên đến hàng nghìn người thì cần thiết phải chờ bản án có hiệu lực mới có điều kiện thi hành án.
Sau khi bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, bị hại cần làm đơn đề nghị thi hành án, nộp đến Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội để được giải quyết theo thẩm quyền. Số tiền đang tạm giữ sẽ chuyển từ cơ quan công an sang cơ quan thi hành án, trả lại cho bị hại (theo phụ lục bản án, xác định số tiền bị chiếm đoạt cụ thể của mỗi người).
Trước đó, vào chiều ngày 27/3, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt ông Dũng mức án 8 năm tù. Bị cáo Đỗ Hoàng Việt (con trai ông Dũng, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh) 36 tháng tù. Các bị cáo khác lĩnh án từ 18 tháng tù cho hưởng án treo – 30 tháng tù.
Bản án sơ thẩm thể hiện, do gặp khó khăn, bị cáo Dũng đã thống nhất chủ trương, chỉ đạo con trai Đỗ Hoàng Việt và các bị cáo khác huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Các bị cáo sử dụng pháp nhân 3 công ty là Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông để ngụy tạo các hoạt động kinh tế không có thật thông qua các hợp đồng khống như mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư. Đồng thời, liên hệ với một số công ty kiểm toán để làm đẹp báo cáo tài chính sao cho đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Sau đó ký các hợp đồng giả cách chuyển nhượng trái phiếu và cho tổ chức chạy dòng tiền khống để tạo lập giá trị ảo của trái phiếu; hợp thức trái chủ sang cho Công ty Tân Hoàng Minh để huy động vốn, chiếm đoạt hơn 8.643 tỷ đồng. Số lượng bị hại được xác định là hơn 6.600 người.
Trong vụ án này, tòa án xác định bị cáo Dũng là người đề ra chủ trương phát hành trái phiếu. Thông qua con trai là Đỗ Hoàng Việt, ông Dũng chỉ đạo các bị cáo khác lập khống, ký các hợp đồng giả cách chuyển nhượng trái phiếu, chiếm đoạt số tiền hơn 8.643 tỷ đồng.
Bị cáo Đỗ Hoàng Việt trực tiếp điều hành, thống nhất với các công ty kiểm toán, chỉ đạo các bị cáo khác ký các hợp đồng giả cách chuyển nhượng trái phiếu.
Tòa án xác định, bị cáo Dũng có vai trò cao nhất trong vụ án, bị cáo Việt làm theo chỉ đạo của cấp trên cũng chính là bố đẻ của mình để thực hiện các hành vi vi phạm, giữ vai trò giúp sức tích cực. Quá trình điều tra, bị cáo Việt tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo, thực hiện theo chỉ đạo của bố nên được giảm nhẹ tối đa.
Quá trình điều tra, gia đình ông Dũng đã khắc phục hơn 5.000 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cũng đã thu giữ được hơn 2.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng đã thu được hơn 8.600 tỷ đồng để khắc phục. Hội đồng xét xử quyết định tiếp tục tạm giữ số tiền này để đảm bảo thi hành án.
Quá trình xét xử sơ thẩm, phía ông Dũng có nộp thêm 3 tỷ đồng. Một số bị hại yêu cầu tính lãi suất. Ông Đỗ Anh Dũng cũng đồng ý trả một phần lãi. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm cho rằng, đây là vụ án hình sự nên không có căn cứ tính lãi theo yêu cầu của các bị hại.