Báo cáo của ACCC dựa trên dữ liệu từ nhiều cơ quan bao gồm Scamwatch, ReportCyber, Sàn giao dịch tội phạm tài chính Úc, IDCARE và Ủy ban đầu tư và chứng khoán Úc.
Cụ thể, có hơn 601.000 báo cáo về các vụ lừa đảo vào năm 2023, tăng so với con số 507.000 được báo cáo vào năm 2022. Trong đó, các vụ lừa đảo đầu tư đã đánh cắp nhiều hơn bất kỳ loại lừa đảo nào khác, gây thiệt hại hơn 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, mặc dù số vụ lừa đảo được báo cáo ngày càng tăng nhưng số tiền bị mất vẫn giảm so với năm 2022, khi người Úc mất kỷ lục 3,1 tỷ USD.
Theo đánh giá của ACCC, lần đầu tiên sau 06 năm số tiền thua lỗ do lừa đảo giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là sự nỗ lực gia tăng của các ngân hàng và chính phủ trong năm 2023.
Bên cạnh đó, các số liệu còn cho thấy những đối tượng lừa đảo đang nhắm mục tiêu vào những người lớn tuổi có tiền tiết kiệm hoặc những người đang tìm kiếm cơ hội đầu tư. Những người trên 65 tuổi có nhiều khả năng bị mất tiền hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác và là nhóm tuổi duy nhất mất nhiều tiền hơn vào năm 2023 so với năm 2022.
Tháng 7/2023, trước áp lực từ các nạn nhân và các nhóm người tiêu dùng, Chính phủ Liên bang Australia đã thành lập một trung tâm chống lừa đảo quốc gia, đồng thời ngành ngân hàng cũng hứa sẽ đầu tư vào việc tăng cường an ninh.
Theo dữ liệu của Scamwatch, trong khi tổn thất do lừa đảo được thực hiện qua tin nhắn văn bản hoặc qua điện thoại giảm thì số tiền bị mất do lừa đảo qua email và mạng xã hội lại tăng lên. Thiệt hại do lừa đảo việc làm đã tăng 151% lên 24,3 triệu USD, trong đó những người từ các cộng đồng đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ (CALD) bị ảnh hưởng nhiều hơn. Ngoài ra, số tiền thiệt hại ước tính được cho là có thể còn cao hơn vì ước tính cứ ba nạn nhân bị lừa đảo thì có một người không trình báo tội phạm cho chính quyền.
Trước những thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần nâng cao kiến thức nhận biết và phòng tránh các hình thức lừa đảo trên không gian mạng. Cảnh giác với những lời mời chào hấp dẫn, những tổ chức tài chính không rõ danh tính,…
“Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay thực hiện giao dịch chuyển tiền dưới mọi hình thức. Tuyệt đối không tin tưởng hoàn toàn những thông tin và đối tượng trên mạng xã hội. Khi gặp những trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an; cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ, giải quyết”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo.