October 10, 2024 | 15:30 GMT+7

Hơn 621 nghìn doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội

Phúc Minh -

Hiện có hơn 621 nghìn doanh nghiệp đang giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Qua đó giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Người dân thực hiện các thủ tục liên quan đến bảo hiểm. Ảnh minh họa.
Người dân thực hiện các thủ tục liên quan đến bảo hiểm. Ảnh minh họa.

Đây là một trong những kết quả nổi bật trong công tác chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Với 3 trọng tâm là nâng cao nhận thức chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trên môi trường số, công tác chuyển đổi số của ngành đã đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

HẠ TẦNG SỐ TIẾP TỤC ĐƯỢC HOÀN THIỆN

Về phát triển hạ tầng số, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai 28 hệ thống phầm mềm, đảm bảo xử lý 100% quy trình nghiệp vụ của ngành trên môi trường điện tử. Ngành cũng đã kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở y tế trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây là cơ sở quan trọng phục vụ cho quá trình triển khai sổ sức khỏe điện tử.

Hiện có hơn 621 nghìn doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Qua đó giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Ngành cũng đã nâng cấp, hoàn thiện ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số. Hiện toàn quốc có hơn 36 triệu tài khoản giao dịch điện tử, dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID, hơn 5,5 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Đơn vị cũng đã tích hợp Trợ lý ảo vào Tổng đài chăm sóc khách hàng với số điện thoại 1900.9068, qua đó, hỗ trợ người dân cấp lại mật khẩu tài khoản VssID. Phối hợp với Bộ Công an triển khai sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, sử dụng tài khoản VssID.

Đến nay, đã có hơn 16,7 triệu lượt sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID. Với việc triển khai này, đã giúp người dân có thêm lựa chọn sử dụng tài khoản khi có nhu cầu khai thác thông tin, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID.

Đối với việc phát triển dữ liệu số, đến nay, kho cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang được kết nối, chia sẻ tích cực với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, phục vụ hiệu quả các yêu cầu quản lý Nhà nước.

Theo đó, ngành đã phối hợp với Bộ Công an, trở thành đơn vị đầu tiên kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, hệ thống của ngành đã xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hơn 98,5 triệu thông tin nhân khẩu, trong đó có khoảng 88,5 triệu người đang tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đạt tỷ lệ 98,4%.

Đồng thời, phối hợp tích hợp thông tin sổ bảo hiểm xã hội trên ứng dụng VNeID. Đến nay, đã có hơn 24,9 triệu lượt truy vấn thông tin sổ bảo hiểm xã hội thành công và tích hợp lên ứng dụng VNeID.

NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP ĐƯỢC HƯỞNG LỢI

Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khác để kết nối và chia sẻ, đồng thời làm giàu cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.

Ngoài Bộ Công an, ngành đang kết nối dữ liệu với Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Nội Vụ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội, Tổng cục Thuế...

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh kiểm tra, chỉ đạo công tác chuyển đổi số của ngành. Ảnh: Duy Nguyễn.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh kiểm tra, chỉ đạo công tác chuyển đổi số của ngành. Ảnh: Duy Nguyễn.

Với nguồn cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên, việc kết nối liên thông, chia sẽ dữ liệu của ngành Bảo hiểm xã hội với các Bộ, ngành, địa phương giúp chuẩn hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng quản lý, cải cách, liên thông thủ tục hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân, đơn vị và doanh nghiệp.

Hiện nay, 100% thủ tục hành chính của ngành đủ điều kiện đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Trong 9 tháng năm 2024, toàn ngành đã tiếp nhận và xử lý hơn 10,4 triệu hồ sơ giao dịch điện tử, tương đương 76,6 triệu hồ sơ gắn với từng người lao động, chiếm 92,5% tổng số hồ sơ cả trực tiếp và trực tuyến.

Bên cạnh đó, hiện 100% cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip; đảm bảo đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng số định danh cá nhân, căn cước công dân.

Đã có hơn 119 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng số định danh cá nhân hoặc căn cước công dân thành công, phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh. Từ đây đã góp phần tạo thuận lợi cho người dân, giảm thời gian làm thủ tục khám chữa bệnh, tiết kiệm chi phí in ấn thẻ bảo hiểm y tế, và chi phí quản lý hành chính.

Hiện đơn vị cũng đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra trong Đề án 06 của Chính phủ. Tính đến nay, đã có khoảng 78% số người hưởng tại khu vực đô thị nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM, tăng 14% so với năm 2023.

Ngoài ra, hỗ trợ ngành Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử từ cơ sở khám chữa bệnh qua hạ tầng của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Đây là cơ sở đầu vào quan trọng để phục vụ triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông và dịch vụ công về cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến.

Đồng thời, phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công an thí điểm liên thông dữ liệu khám chữa bệnh, phục vụ triển khai sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại tích hợp trên ứng dụng VNeID.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, với những kết quả trong công tác chuyển đổi số của ngành, đã giúp các tổ chức, cá nhân giảm thời gian, chi phí khi giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Các Bộ, ngành, địa phương được hưởng lợi từ việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; tạo điều kiện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên môi trường điện tử...Qua đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate