Tại hội thảo “Môi giới trong kỷ nguyên công nghệ - Thay đổi để bứt phá” do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) tổ chức, ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và phát triển MinGroup, đánh giá: Thời gian qua, hoạt động môi giới bất động sản đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao dịch, bảo đảm chất lượng hoạt động của lĩnh vực bất động sản, qua đó, góp phần phát triển và ổn định thị trường. Tại thời điểm “nóng sốt”, nhiều môi giới bất động sản đã có thể an cư lập nghiệp nhờ mua bán đất đai. Tuy nhiên, với bối cảnh có nhiều thay đổi, công nghệ 4.0 diễn ra mạnh mẽ hiện nay, môi giới bất động sản cũng gặp không ít thách thức.
MỨC ĐỘ CẠNH TRANH CAO
Theo ông Cường, nghề môi giới bất động sản mặc dù là nghề “hot” nhưng lâu nay vẫn là nghề có mức độ cạnh tranh cao bởi đang được hoạt động tự do, gần như không có rào cản về tuổi đời hay giới tính... Thậm chí, lao động tay ngang từ các ngành nghề khác như xe ôm, người bán nước, tới công chức nhà nước... đều có thể dễ dàng tham gia kết nối thực hiện giao dịch. Do đó, thách thức trong nghề môi giới bất động sản không chỉ dừng lại ở việc tiếp cận khách hàng, mà còn là việc ứng dụng các sản phẩm công nghệ, hỗ trợ tối đa quá trình liên kết khách hàng tự nhiên, dồi dào…
Chia sẻ thêm, ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vars cho biết nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam chính thức được thừa nhận trong Luật Kinh doanh bất động sản từ năm 2006, tới nay, lực lượng môi giới đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Ngay cả vào giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản, đội ngũ sàn giao dịch, nhà môi giới bất động sản vẫn nỗ lực, miệt mài góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản. Theo thống kê, hiện trên thị trường có hơn 300.000 người hoạt động trong ngành môi giới bất động sản. Mỗi năm, đội ngũ môi giới kết nối hàng trăm nghìn giao dịch thành công.
“Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt. Một bộ phận không nhỏ môi giới vẫn thiếu kiến thức và kỹ năng chuyên môn, chưa có tính chuyên nghiệp, hiểu biết pháp luật hạn chế. Đặc biệt, còn một lượng lớn cá nhân hành nghề môi giới bất động sản tự do, môi giới tay ngang không có chứng chỉ hành nghề, không tuân thủ quy định của pháp luật. Điều này làm ảnh không nhỏ đến cái nhìn về nghề môi giới bất động sản của cộng đồng và xã hội”, Phó Chủ tịch Vars nhận định.
Theo đó, với sự biến động và thay đổi liên tục của thị trường, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra một bước đột phá, tác động to lớn đến tất cả lĩnh vực. Trong lĩnh vực bất động sản, cách mạng 4.0 đem đến nhiều lợi ích cho môi giới bất động sản như: tiếp cận với xu hướng công nghệ hóa, xây dựng thương hiệu cá nhân thông qua ứng dụng, phương tiện trực tuyến để tăng cơ hội kết nối giao dịch; tăng khả năng tiếp cận khách hàng... Tuy nhiên, thách thức của nghề môi giới cũng không phải là vấn đề nhỏ tại thời điểm 4.0, nếu muốn bắt kịp. Chính vì vậy, việc nhà môi giới thay đổi, chuyển mình, thích ứng thời cuộc để phát triển lâu dài, bền vững rất cần thiết.
THÍCH ỨNG NHANH VỚI THỜI CUỘC LÀ TẤT YẾU
Ông Trương Anh Tú, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Danh Khôi nhấn mạnh cuộc cách mạng kỹ thuật số đã làm thay đổi ngành bất động sản, làm nảy sinh khái niệm nhà môi giới kỹ thuật số hay “Nhà môi giới 4.0”.
Không những thế, cách mạng 4.0 còn mang lại nhiều trải nghiệm liền mạch, thuận tiện cho người mua lẫn người bán bằng cách tận dụng các công cụ kỹ thuật số, cung cấp khả năng tiếp cận 24/7 và được cá nhân hóa. Tiếp đó là hợp lý hóa hoạt động, giảm chi phí chung, tối ưu việc phân bổ nguồn lực thông qua tự động hóa. Hơn hết có thể truy cập dữ liệu thị trường, phân tích và dự đoán mô hình theo thời gian thực tế để đưa ra quyết định chuẩn xác.
Với đặc điểm trên, ông Tú đánh giá, kỷ nguyên số đã dẫn đến làn sóng các nhà môi giới kỹ thuật số tràn vào, càng tăng cường tính cạnh tranh. Thế nên yêu cầu đặt ra cho nhà môi giới phải tạo được khác biệt thông qua đổi mới và dịch vụ đặc biệt mới có thể tồn tại giữa môi trường đòi hỏi sự chuyên nghiệp ngày một cao…
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Vars, vai trò của đội ngũ môi giới, công ty môi giới bất động sản rất quan trọng bởi vẫn cần sự tư vấn kỹ lưỡng và hỗ trợ pháp lý cho khách hàng. Tuy nhiên, việc nhà môi giới thay đổi, chuyển mình, thích ứng nhanh với thời đại công nghệ số giúp phát triển lâu dài, bền vững là tất yếu.
Bởi số liệu từ đơn vị cho biết, có đến hơn 80% giao dịch bất động sản thực hiện qua môi trường online. Hiện nay, sử dụng công nghệ trong hoạt động môi giới bất động sản đang được thực hiện tích cực để giảm thiểu rủi ro trong giao dịch, giúp tạo lòng tin khách hàng. Bên cạnh đó, phía cơ quan quản lý nhà nước cũng dễ dàng giám sát, quản lý. Thậm chí, tại nhiều nước trên thế giới, công nghệ bất động sản còn phát triển mạnh với hàng loạt ứng dụng AR, VR (thực tế ảo) hoặc phần mềm thông minh hỗ trợ tìm kiếm bất động sản một cách chủ động.
Ông Nguyễn Anh Kha, CEO Vars Connect cho rằng giữa bối cảnh thông tin đa chiều, bao gồm cả những thông tin sai lệch, gây nhiễu loạn thị trường thì cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, hướng tới các dịch vụ cung cấp thông tin minh bạch cho thị trường.
Tuy nhiên, trong ngành bất động sản, một ứng dụng hiệu quả cần tích hợp nhiều tính năng, yếu tố để tạo ra trải nghiệm toàn diện cho môi giới, khách hàng, đồng thời đáp ứng 3 yếu tố chính.
Thứ nhất là tiếp cận được dự án mới giúp môi giới truy cập dự án bất động sản dễ dàng. Thông qua ứng dụng công nghệ trực tuyến, họ có thể cập nhật thông tin giá bán, diện tích, vị trí, chủ đầu tư dự án;
Thứ hai, phải tối ưu hóa giao dịch, hỗ trợ môi giới tìm kiếm khách hàng, quản lý thông tin giao dịch, tài liệu, thời hạn một cách hiệu quả;
Thứ ba, cung cấp cơ hội cho các môi giới chia sẻ thông tin và kết nối với nhau, hình thành một cộng đồng mạng mạnh mẽ, tăng độ nhận diện cá nhân, tạo ra môi trường hợp tác, hỗ trợ trong ngành.