Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM vừa báo cáo Ban Đô thị Hội đồng nhân dân TP.HCM về kế hoạch giám sát công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn.
Hiện, trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều trường hợp dự án phát triển nhà ở trước đây đã được Sở Tài nguyên Môi trường thẩm định đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận cho người mua và đã được Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM lập hồ sơ, trình Sở Tài nguyên và Môi trường ký cấp giấy chứng nhận.
Theo thống kê, trong tổng số 398 dự án đã nộp với tổng 191.348 căn, gồm: căn hộ, nhà ở riêng lẻ, TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận cho 110.016 căn và 81.332 căn chưa cấp giấy chứng nhận.
Trong số sản phẩm chưa được cấp giấy chứng nhận, có 5.386 căn nhà của 7 dự án do chủ đầu tư chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính bổ sung; 10.019 căn nhà bị vướng do thuộc loại hình bất động sản mới (officetel, shophouse…) và 17.515 căn nhà không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận.
Theo Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM, có rất nhiều nguyên nhân ảnh hướng đến tiến độ cấp giấy chứng nhận, như: quy định pháp luật thay đổi (thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung theo quy định tại Nghị định 148/2020/NĐCP); bị rà soát quá trình giao đất, chuyển nhượng, góp vốn thực hiện dự án, chuyển mục đích sử dụng đất, rà soát lại phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp, xác định lại nghĩa vụ tài chính; việc xác định nghĩa vụ tài chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn chậm; chủ đầu tư chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính nên kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ.
Hay nhiều dự án sử dụng vào mục đích sử dụng hỗn hợp như làm căn hộ lưu trú (căn hộ cho thuê) hoặc văn phòng kết hợp lưu trú (officetel, condotel, shophouse) mà pháp luật đất đai không quy định về các loại hình bất động sản này.
Mặt khác, các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa thống nhất trong việc xác định mục đích sử dụng đất, thời hạn sở hữu công trình, đối tượng được cấp giấy chứng nhận cho chủ đầu tư hay người mua. Vì vậy, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận trên địa bàn.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, số lượng hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận tiếp nhận và giải quyết tăng đều qua các năm, đặc biệt so với năm 2021, năm 2022 có số lượng hồ sơ nhận vào tăng đột biến từ 28.835 hồ sơ lên 38.144 hồ sơ.
Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM đề xuất với HĐND TP.HCM kiến nghị với các cơ quan Trung ương bổ sung quy định cụ thể về việc cấp giấy chứng nhận đối với loại hình bất động sản mới (officetel, shophouse…).
Kiến nghị Hội đồng thẩm định giá TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu và trình UBND TP.HCM ban hành quyết định về phê duyệt giá đất để các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính. Sớm xem xét, xác nhận việc hoàn tất thực hiện nghĩa vụ về nhà ở xã hội đối với các chủ đầu tư lựa chọn hình thức nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.