September 09, 2021 | 09:04 GMT+7

Hơn một tỷ cổ phiếu "tân binh” của công ty chứng khoán lên sàn và nỗi lo pha loãng

An Nhiên -

Thị trường chứng khoán tăng mạnh từ đầu năm đến nay với dòng tiền từ nhà đầu tư F0 là thời cơ để nhiều công ty chứng khoán phát hành cổ phiếu huy động vốn. Ở thời điểm hiện tại, đã một lượng cổ phiếu khổng lồ từ các công ty chứng khoán được đẩy lên sàn…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đã có hơn một nửa các công ty chứng khoán trong ngành đưa ra kế hoạch tăng vốn trong năm 2021 thông qua các hình thức như trả cổ tức, quyền mua, phát hành riêng lẻ…

THÊM MỘT TỶ CỔ PHIẾU CHỨNG KHOÁN CHÀO SÀN TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM

Thống kê cho thấy, tính đến đầu tháng 9/2021, đã có ít nhất 5 công ty chứng khoán đã thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn thành công. Công ty CP Chứng khoán VnDirect trong tháng 7 đã phát hành thành công 214,5 triệu cổ phiếu. Tổng số tiền thu được từ chào bán là 3.112,9 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng lên 4.349. tỷ đồng. Cổ phiếu được chuyển giao ngày 12/8/2021.

Chứng khoán MB cũng phát hành thành công 103,2 triệu cổ phiếu, tổng số tiền thu được từ đợt chào bán 786 tỷ đồng. Trong đó, bán ra công chúng 69 triệu, chào bán cho cán bộ nhân viên 7,4 triệu và phát hành cổ phiếu trả cổ tức 24,6 triệu cổ phiếu. Ngày chuyển giao cổ phiếu trong tháng 7/2021.

Công ty CP Chứng khoán Bản Việt trong tháng 6 cũng phát hành thành công 166,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nâng tổng số cổ phiếu sau đợt phát hành lên 333 triệu cổ phiếu. Sau khi hoàn tất thủ tục lưu ký, lô cổ phiếu này đã được niêm yết bổ sung trên HOSE vào tháng 7.

Một số công ty chứng khoán khác cũng phát hành tăng vốn thành công như Chứng khoán Tân Việt (TVSI) trong tháng 7 đã phát hành thành công 145,8 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng, tổng giá trị huy động vốn lên đến 1.458 tỷ đồng. UBCK Nhà nước đã ban hành quyết định điều chỉnh giấy phép hoạt động của TVSI. Theo đó, vốn điều lệ của TVSI tăng từ 1.080 tỷ đồng lên 2.639 tỷ đồng. Chứng khoán Alpha cũng phát hành thành công…

Từ nay đến cuối năm, sẽ có nhiều công ty chứng khoán phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Chẳng hạn, SSI ngày 9/9 cũng đã chốt quyền phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Công ty dự kiến phát hành hơn 219,1 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành hơn 109,55 triệu cổ phiếu thực hiện quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Giá phát hành 10.000 đồng/Cổ phiếu. Tổng giá trị vốn huy động được là 1.095 tỷ đồng.

Tổng cộng, số cổ phần dự kiến phát hành là gần 329 triệu đơn vị, qua đó vốn điều lệ của SSI tăng từ từ 6.573 tỷ đồng lên xấp xỉ 9.860 tỷ đồng. 

Các công ty chứng khoán đã và sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn trong 6 tháng cuối năm 2021. 
Các công ty chứng khoán đã và sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn trong 6 tháng cuối năm 2021. 

Ngày 8/9, Công ty CP Chứng khoán VIX cũng chốt quyền mua cổ phiếu với số lượng cổ phiếu phát hành thêm 127,7 triệu cổ phiếu, giá phát hành 10.000 đồng. Tổng giá trị huy động được là 1.277 tỷ đồng. Ngoài ra, VIX sẽ phát hành 19,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020. Như vậy, tổng số cổ phiếu phát hành sẽ lên đến 146,8 triệu cổ phiếu.

Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội ngày 24/8 cũng chốt quyền mua 103,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Phát hành tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu 10,3 triệu cổ phiếu và phát hành 4 triệu cổ phiếu ESOP. Tổng số cổ phiếu phát hành thêm là 118 triệu cổ phiếu.

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều công ty chứng khoán khác đã có kế hoạch, thông qua phương án phát hành nhưng chưa thực hiện kế hoạch tăng vốn như Chứng khoán HSC, hay Chứng khoán KIS…cùng hơn 20 công ty chứng khoán khác. 

KHÔNG SỢ RỦI RO PHA LOÃNG?

Việc các công ty chứng khoán ồ ạt tăng vốn được đánh giá là có nhiều tác động tích cực đến thị trường chứng khoán, cho bản thân công ty chứng khoán nhưng cũng xuất hiện lo ngại rủi ro áp lực pha loãng khi mà lượng cổ phiếu khổng lồ trong cùng một thời gian được đẩy lên sàn chứng khoán.

Giới chuyên môn nhận định, rủi ro pha loãng cổ phiếu có thể có song còn tùy thuộc vào nội lực của từng công ty và kế hoạch sử dụng vốn sau khi phát hành

Hầu hết mục đích của các công ty khi phát hành thêm tăng vốn đều sử dụng số tiền để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán, bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu, giấy tờ có giá, bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư cổ phiếu.

Trong khi đó, hoạt động cho vay ký quỹ là kênh hái ra tiền cho các công ty chứng khoán trong bối cảnh làn sóng nhà đầu tư F0 gia tăng mạnh mẽ. Sau khi tăng trưởng chậm lại vào tháng 7, đến tháng 8, nhà đầu tư trong nước mở mới 120.506 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 19.000 tài khoản so với tháng trước đó và là con số lớn thứ hai trong lịch sử, xếp sau số tài khoản mở mới trong tháng 6. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 120.379 tài khoản và 127 tài khoản đến từ nhà đầu tư tổ chức. 

Hơn một tỷ cổ phiếu "tân binh” của công ty chứng khoán lên sàn và nỗi lo pha loãng  - Ảnh 1

Cũng theo thống kê của VnEconomy, hơn 30 công ty chứng khoán trên thị trường tính đến 20/7/2021 đã cho nhà đầu tư vay giao dịch ký quỹ hơn 120.000 tỷ đồng, tăng 20% so với thời điểm cuối quý 1/2021. Đây được xem là mức kỷ lục cho vay margin của chứng khoán Việt Nam khi mà nhiều công ty đã "căng cứng" so với tỷ lệ cho vay được cho phép. Do vậy, việc tăng vốn sẽ giúp các công ty mở rộng nguồn lực cho vay với nguồn vốn vay rẻ hơn so với vốn ngân hàng. Hầu hết các công ty chứng khoán cũng đều lãi lớn nhờ cho vay margin 6 tháng đầu năm 2021.

Margin cũng không phải là lý do duy nhất để các công ty chứng khoán có động lực tăng vốn mà sự phát triển của thị trường cũng tạo cơ hội cho các công ty chứng khoán hoạt động mạnh ở mảng tự doanh. Hầu hết các công ty chứng khoán trong quý 2 vừa qua đều ghi nhận lãi từ các tài sản tài chính EVTPL tăng mạnh trong khi mục lỗ tài sản tài chính EVTPL giảm so với cùng kỳ.

Hơn một tỷ cổ phiếu "tân binh” của công ty chứng khoán lên sàn và nỗi lo pha loãng  - Ảnh 2

Chưa kể, sau khi phát hành tăng vốn thành công, sẵn đà tăng trưởng doanh thu lợi nhuận 6 tháng đầu năm, đã có một số công ty chứng khoán thay đổi chỉ tiêu lợi nhuận trong năm 2021. Việc tăng trưởng lợi nhuận này sẽ bù đắp được phần nào mức độ pha loãng.

Chẳng hạn, ngày 6/9, HĐQT của VnDirect đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch doanh thu hoạt động năm 2021 lên mức 3,951 tỷ đồng, tăng 55% so với kế hoạch ban đầu và lợi nhuận sau thuế lên mức 1.600 tỷ đồng, tăng 82% so với kế hoạch cũ. Sau khi điều chỉnh, kế hoạch lợi nhuận sau thuế gấp hơn 2,3 lần so với thực hiện năm 2020.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, công ty chứng khoán này đã đạt 2.209 tỷ đồng doanh thu hoạt động và 1,056 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Theo đó, VND đã vượt 20% mục tiêu lợi nhuận sau thuế đề ra ban đầu.

Kế hoạch kinh doanh mới của VND.
Kế hoạch kinh doanh mới của VND.

Tại TVB, sau 6 tháng đầu năm lợi nhuận sau thuế đạt 163 tỷ đồng, vượt 36% kế hoạch năm. Trong tháng 8, công ty đã hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 1.067 tỷ đồng và có thể vượt kế hoạch kinh doanh điều chỉnh với mức lợi nhuận dự kiến đạt 350 tỷ đồng.

Công ty chứng khoán SmartInvest (ASS - UpCOM) mới đây cũng điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế lên 200 tỷ đồng, gấp 42 lần chỉ tiêu đã được thông qua tại ĐHCĐ thường niên là hơn 4,8 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận thay đổi ngay sau khi công ty chứng khoán vừa chào bán riêng lẻ 49 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phần để tăng vốn gấp hơn 2,5 lần, tương đương vốn điều lệ tăng từ 310 tỷ lên 800 tỷ đồng.

Sau khi phát hành cổ phiếu tăng vốn thành công, bổ sung một nguồn lực đáng kể cho vay margin, nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành, đầu tư cổ phiếu, trái phiếu...Có thể sẽ có thêm nhiều công ty chứng khoán điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận như VND. Bởi kế hoạch lợi nhuận, doanh thu từ đầu năm hầu hết được các công ty chứng khoán xây dựng dựa trên kịch bản thanh khoản mỗi phiên 15.000 tỷ đồng, trong khi đó, câu chuyện nay đã khác, giá trị giao dịch bình quân mỗi ngày của VN-Index đã được tính theo mốc tỷ đô, thậm chí có những phiên còn lên đến 38.000 tỷ đồng, tương ứng gần 2 tỷ đô. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate