September 13, 2024 | 16:32 GMT+7

Hợp long hai nhịp chính cầu Nhơn Trạch trên tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Thiên Ân -

Sau hai năm thi công, hai nhịp chính cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch của dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đã chính thức được hợp long.

Hai nhịp chính cao nhất của cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai thuộc dự án Vành đai 3 TP.HCM đã được hợp long vào chiều 12/9/2024. Ảnh: Thư Trần.
Hai nhịp chính cao nhất của cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai thuộc dự án Vành đai 3 TP.HCM đã được hợp long vào chiều 12/9/2024. Ảnh: Thư Trần.

Dự án thành phần 1A của công trình đường Vành đai 3 TP.HCM dài 8,2 km gồm hai gói thầu xây lắp là gói xây dựng cầu Nhơn Trạch và gói làm đường dẫn hai đầu cầu, có tổng mức đầu tư là 6.955 tỷ đồng.

Cầu Nhơn Trạch (gói thầu CW1) có chiều dài 2.600 m do nhà thầu Kumho E&C của Hàn Quốc thực hiện với tổng mức đầu tư 1.618 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 9/2022, đến nay đã đạt tiến độ hơn 83%, rút ngắn thời gian khoảng 4 tháng. Hai nhịp cầu chính đầu tiên của cầu (bắc qua song Đồng Nai) đã chính thức được hợp long vào chiều 12/9/2024, nối các trụ P19 - P20 và P20 - P21 lại với nhau. Đây là cầu lớn nhất của dự án thành phần 1A thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1.

Nhà thầu Kumho E&C cho biết rằng sau khi hợp long hai nhịp chính đầu tiên này sẽ tăng tốc hai trụ chính B18 và B22 trong năm 2024, và dự kiến đến đầu năm 2025, các nhịp còn lại sẽ được hợp long. Giám đốc gói thầu CW1 Koo Ja Kyoung cũng thông tin thêm về tiến độ tổng thể toàn dự án thành phần 1A đến này đã đạt 76%, riêng cầu Nhơn Trạch đạt 83%; đồng thời cam đoan sẽ hoàn thành thông xe cầu Nhơn Trạch vào dịp 30/4/2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phần đường dẫn (gói thầu CW2), đến nay đã đạt tiến độ gần 45%. Phía TP.HCM cơ bản bàn giao xong mặt bằng, và phía Đồng Nai hiện bàn giao được 98%. Ông Lê Đình Hoàng Chương, Phó giám đốc Ban điều hành dự án 1A thuộc Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án) cho biết, tiến độ tổng thể toàn dự án thành phần 1A đạt 67%. Hiện các đơn vị thi công đã di dời hạ tầng kỹ thuật tại 4/7 vị trí, phần còn lại sẽ hoàn tất trong tháng 9/2024.

Khó khăn chung của công trình là thiếu cát đắp nền đường mà theo ông Chương là “các nhà thầu đã chủ động tìm nguồn cát trong và ngoài nước để mua, giá mua có thể cao hơn giá hợp đồng, được chi thêm bằng nguồn kinh phí của nhà thầu để đảm bảo tiến độ dự án”.

Cầu Nhơn Trạch gồm 5 nhịp dầm đúc hẫng, 34 nhịp dầm super T. Công trình xây dựng 4 cầu cạn trên các nhánh đường dẫn trong nút giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, với tổng chiều dài các cầu khoảng 3.788 m. Sau khi đổ bê tông đốt hợp long, nhà thầu Kumho E&C sẽ thi công các hạng mục gồm lan can, hoàn thiện mặt cầu, dải phân cách, hệ thống chiếu sáng, hệ thống an toàn giao thông và thảm bê tông nhựa. Nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu đề nghị đơn vị thi công làm việc 3 ca, 4 kíp để hoàn thành dần các khối lượng công việc trên công trường.

Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, cầu Nhơn Trạch trên tuyến Vành đai 3 sẽ trở thành cầu nối giữa TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đến Bình Dương và TP.HCM và ngược lại.

Công trình đường Vành đai 3 TP.HCM là dự án giao thông trọng điểm quốc gia có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của vùng Đông Nam Bộ. Dự án có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe cao tốc, đi qua địa phận 4 địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An; tuy nhiên, đường Vành đai 3 có chức năng kết nối TP.HCM với nhiều tỉnh, thành như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh... Công trình hoàn thành sẽ giải quyết rất lớn việc vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực cho các tuyến đường nội đô, cải thiện lưu thông qua các nút đường xuyên tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội toàn vùng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate