April 23, 2024 | 09:57 GMT+7

HoREA: Đề xuất nhập cát từ Campuchia để thi công các công trình trọng điểm

Ban Mai -

Theo HoREA, nếu không có đủ nguồn cát san lấp thì các dự án cao tốc phía Nam sẽ khó hoàn thành vào năm 2025…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất cần bổ sung thêm nguồn cát nhập khẩu từ Campuchia để phục vụ thi công các công trình giao thông trọng điểm quốc gia tại TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Thông tin từ Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng, hiện nay, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai các dự án đường cao tốc với tổng cộng 463 km đường chạy qua 10 tỉnh, cần khoảng 54 triệu m3 cát san lấp. Tuy nhiên, trữ lượng cát hiện tại chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu cho các dự án đường cao tốc.

Bên cạnh đó, tại TP.HCM, tính riêng dự án Vành đai 3 đã cần khoảng 9,3 triệu m3 cát san lấp, riêng năm 2024 cần 6,4 triệu m3 cát san lấp. Nhưng vì lý do thiếu cát san lấp nên các nhà thầu chỉ tập trung thi công hạng mục đường công vụ và cầu trên tuyến.

HoREA cho rằng nếu không có đủ nguồn cát san lấp thì dự án sẽ khó hoàn thành vào năm 2025. Do đó, Hiệp hội đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ nhập khẩu nguồn cát san lấp từ Campuchia để phục vụ thi công các công trình giao thông trọng điểm quốc gia tại TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo báo cáo của Hiệp hội, trong nội dung công hàm 008 được Văn phòng Thương vụ đại sứ Campuchia gửi tới Bộ Xây dựng, phía Campuchia đang quản lý khối lượng cát lớn thuộc lưu vực sông Mekong, với trữ lượng cát có thể khai thác trong 01 năm đạt 100 triệu m3.

HoREA cho rằng hiện nay rất cần bổ sung thêm nguồn cát nhập khẩu từ Campuchia đi đôi với khai thác nguồn cát sông Cửu Long một cách hợp lý. Có thể chuyên chở cát từ Campuchia bằng đường thủy để chi phí nhập khẩu hợp lý, giao nhận tại phao số 0 tại cửa khẩu Thường Phước (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) và cửa khẩu Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang).

Cát nhập khẩu về, trước hết sẽ phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trọng điểm là các dự án: Vành đai 3, đường Vành đai 4 TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, mở rộng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, 3 tuyến cao tốc trục ngang ở Đồng bằng sông Cửu Long như Hồng Ngự - Trà Vinh, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.

Trước thực trạng khan hiếm cát san lấp cao tốc tại phía Nam hiện nay và để tránh tình trạng tranh mua, đẩy giá cát lên cao, HoREA đề nghị nên giao một đơn vị quân đội có chức năng làm kinh tế ở phía Nam làm đầu mối để mua cát với số lượng lớn, ổn định, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và giá cả hợp lý.

Trước đó, vào tháng 10/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn TNT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất nhập khẩu cát từ Campuchia làm vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Tập đoàn TNT cho biết, doanh nghiệp được Campuchia cấp phép khai thác cát trên dòng Mekong trữ lượng lớn nhất với hàng trăm triệu m3, mỗi ngày nhập 30.000 - 50.000 m3 cho các mục đích. Do vậy, doanh nghiệp cam kết đáp ứng đủ nhu cầu của các dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long về số lượng, chất lượng và giá cả.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, vận tải cũng như nguồn tín dụng để có thể nhập khẩu cát từ Campuchia với số lượng lớn, đáp ứng kịp thời nhu cầu các công trình.

Văn phòng Chính phủ sau đó có phiếu chuyển đề nghị các bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất giải quyết kiến nghị nói trên. Theo đại diện Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, về quy chuẩn kỹ thuật, cát nhập khẩu từ Campuchia hoàn toàn có thể làm vật liệu san lấp khi đáp ứng đủ yêu cầu pháp lý về nhập khẩu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate