October 16, 2020 | 21:51 GMT+7

Huawei lao đao vì Mỹ, các hãng đối thủ ồ ạt đặt hàng linh kiện Nhật

An Huy

Các hãng smartphone đối thủ của Huawei tăng mạnh sản lượng để chiếm thị phần, đồng thời sử dụng công nghệ Nhật nhiều hơn để giảm rủi ro

Huawei đang gặp nhiều khó khăn vì lệnh cấm của Mỹ - Ảnh: Reuters.
Huawei đang gặp nhiều khó khăn vì lệnh cấm của Mỹ - Ảnh: Reuters.

Từ khi Mỹ thi hành lệnh cấm tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tiếp cận với linh kiện có công nghệ Mỹ, các nhà sản xuất linh kiện điện tử Nhật Bản đã nhận được một làn sóng đơn hàng mới từ các nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) khác.

Tờ báo Nhật Bản Nikkei nói rằng các đối thủ của Huawei đang vội tranh thủ cơ hội hãng này gặp khó khăn để giành thị phần. Ngoài ra, các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc cũng tìm đến nhiều hơn với công nghệ Nhật vì lo ngại rằng Mỹ có thể mở rộng lệnh cấm sang chính họ.

Một nhà máy sản xuất màn hình ở phía Đông Nam Tokyo, chuyên sản xuất tấm màn hình tinh thể lỏng cho smartphone, đang phải hoạt động hết công suất. "Lượng đơn hàng vượt quá cả khả năng sản xuất của nhà máy", một đại diện của nhà máy này cho biết.

Dòng đơn hàng từ Huawei, nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, đã ngừng lại sau khi lệnh cấm của Washington có hiệu lực từ ngày 15/9. Nhưng nhu cầu từ các hãng đối thủ của Huawei gồm Xiaomi, Oppo và Vivo lại tăng vọt, bù đắp cho mất mát đó.

Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường công nghệ IDC, tổng doanh số thị trường smartphone toàn cầu năm 2020 sẽ giảm năm thứ tư liên tiếp, với mức giảm 10% còn 1,2 tỷ chiếc, một phần do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mặc dự báo u ám này, một số hãng smartphone vẫn tăng kế hoạch sản xuất nhằm chiếm lĩnh thị phần nhân lúc Huawei gặp khó khăn.

Apple gần đây phát tín hiệu với các nhà cung cấp rằng hãng dự kiến sản xuất 220 triệu iPhone trong năm nay, tăng 10% so với kế hoạch ban đầu. Xiaomi và Oppo, nhà sản xuất smartphone lớn thứ 4 và thứ 5 thế giới về doanh số, có thể xuất xưởng mỗi hãng 200 triệu chiếc điện thoại trong 2021, tăng hơn gấp rưỡi so với 2020 - nhiều nhà cung cấp cho hay.

Trong khi đó, Huawei dự kiến sản xuất khoảng 190 triệu điện thoại trong 2020, giảm 20% so với năm ngoái. "Gã khổng lồ" Trung Quốc này đã tích trữ linh kiện và tăng lượng hàng điện thoại tồn kho để giảm thiểu ảnh hưởng trước mắt từ lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng sự chuẩn bị đó chỉ có thể giúp Huawei đạt mức sản lượng như vậy. Theo một số đánh giá, Huawei đang có trong tay lượng linh kiện đủ cho sản xuất trong 6 tháng, và sản lượng của hãng được ho là sẽ bắt đầu sụt giả từ quý 1/2021 trở đi.

Những thay đổi mà lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei tạo ra trên thị trường smartphone toàn cầu đang mang lại cơ hội kinh doanh mới cho một số hãng sản xuất linh kiện.

"Lượng đơn hàng mà chúng tôi nhận được đạt mức cao kỷ lục vào cuối tháng 9", đại diện một công ty sản xuất linh kiện điện tử lớn của Nhật Bản cho hay. "Một số nhà sản xuất đang tăng gấp đôi kế hoạch sản xuất cho năm tới".

Công ty này cũng dự kiến lượng đơn hàng từ các hãng smartphone khác sẽ vượt quá số đơn hàng bị mất đi từ Huawei.

Ngoài mục đích chiếm thị phần của Huawei, làn sóng mua linh kiện Nhật của các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc có thể bắt nguồn từ việc các công ty này lo sợ rằng sẽ đến lúc họ bị Mỹ đưa vào "danh sách đen" như Huawei.

Hãng sản xuất con chip Nhật Renesas Electronics đã được một khách hàng Trung Quốc đề nghị không sử dụng các kỹ sư Mỹ cho việc thiết kế lại một sản phẩm cụ thể tại một cơ sở ngoài Mỹ. Và Zuken, một nhà cung cấp Nhật chuyên về phần mềm thiết kế cho bảng mạch in, cho biết được các công ty Trung Quốc quan tâm ngày càng nhiều vì họ muốn tìm kiếm nguồn hàng thay thế linh kiện có công nghệ Mỹ.

Trong một số trường hợp, nhà cung cấp tự cách ly với công nghệ Mỹ để duy trì sự hợp tác với Huawei. Sumimoto Electric Industries đã bắt đầu sử dụng thiết bị do Nhật sản xuất để thay thế một số thiết bị Mỹ để thử linh kiện cung cấp cho trạm gốc của Huawei.

Tuy nhiên, những hãng chip lớn như Sony - một nhà sản xuất hàng đầu bộ cảm ứng hình ảnh, và hãng sản xuất chip nhớ Kioxia không thể thay đổi thiết bị sản xuất dễ dàng như vậy được. Việc sản xuất thiết bị bán dẫn bao gồm hàng trăm bước kết nối theo những phương thức phức tạp.

"Đây là sự bùng nổ nhu cầu đặc biệt, và có thể sẽ có một sự điều chỉnh vào khoảng đầu năm 2021", một nhà cung cấp cảnh báo.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate