August 09, 2023 | 14:00 GMT+7

Huawei lên kế hoạch hồi sinh thị phần điện thoại thông minh

Bảo Ngọc -

Vừa qua, Huawei đã công bố phiên bản hệ điều hành mới nhất HarmonyOS 4 và trợ lý AI cao cấp, trong bối cảnh công ty đang gặp khó khăn khi nỗ lực thiết lập lại hoạt động kinh doanh mảng điện thoại thông minh…

Đại gia ngành viễn thông có trụ sở tại Thâm Quyến đang cố gắng phục hồi sau các lệnh trừng phạt của Mỹ từ năm 2019, đã cản bước công ty trước nhiều công nghệ quan trọng như chất bán dẫn, chip 5G và phần mềm. Động thái mạnh tay làm tê liệt hoạt động kinh doanh của Huawei trên toàn cầu, khiến hãng mất đi vị trí số một, theo CNBC.

Các hạn chế của Mỹ khiến Huawei không thể tiếp tục sử dụng hệ điều hành di động Android của Google, từ đó thất bại tại các thị trường bên ngoài Trung Quốc.

Năm 2019, Huawei ra mắt hệ điều hành riêng có tên HarmonyOS trong nỗ lực thay thế Android. Kể từ đó, công ty đã phát triển các phiên bản mới của hệ thống với mục tiêu giành lại thị phần vốn có.

Phiên bản HarmonyOS 4 một lần nữa khẳng định tham vọng của hãng trong công cuộc đưa hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh trở lại thời kỳ hoàng kim.

"Điện thoại thông minh hàng đầu của Huawei đang trở lại", ông Yu Chengdong, Giám đốc điều hành nhóm kinh doanh giải pháp và tiêu dùng Huawei, cho biết trong Hội nghị phát triển Huawei 2023 vừa qua.

Kể từ năm 2019, Huawei đã cố gắng tập trung giành lại thị phần tại Trung Quốc. Thị phần của Huawei đã tăng lên 13% tại Trung Quốc trong quý II năm nay, so với 7,3% cùng kỳ năm 2022. Tương tự, các lô hàng điện thoại thông minh của công ty đã tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái.

TẬP TRUNG PHÂN KHÚC CAO CẤP: THÁCH THỨC APPLE

Chiến lược của Huawei giờ đã trở nên rõ ràng hơn, tập trung vào phân khúc cao cấp của thị trường thay vì tất cả lĩnh vực. "Trước đây, điện thoại thông minh Huawei chiếm vị trí thứ hai trong phân khúc cao cấp. Vì vậy, chúng tôi đang trở lại bằng tất cả những gì tốt nhất có thể", Giám đốc Yu nhấn mạnh.

Trong phân khúc điện thoại có giá hơn 600 USD (gần 14 triệu VNĐ) tại Trung Quốc, thị phần của Huawei đã tăng lên 18,4% trong quý II so với 6,7% cùng kỳ năm 2022, theo IDC.

Chiến lược tập trung vào các dòng sản phẩm cao cấp của Huawei là hợp lý vì người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng chi trả nhiều tiền khi mua sắm điện thoại thông minh. Công ty đã phát hành Mate X3 màn hình gập trong năm nay và cùng với P60, hai chiếc điện thoại này đã giúp tăng thị phần phân khúc cao cấp đáng kể.

Theo Reuters, mặc dù bị cắt đứt chuỗi cung ứng với các nhà máy sản xuất chip, Huawei vẫn quyết tâm gia nhập thị trường điện thoại thông minh 5G vào cuối năm nay. Công ty đặt niềm tin vào chip 5G trong nước.

5G là công nghệ internet di động thế hệ mới. Hầu hết dòng điện thoại cao cấp hiện nay đều có thể kết nối với mạng 5G, mang đến tốc độ internet siêu nhanh. Tuy nhiên, các thiết bị của Huawei đều đang thiếu tính năng này do lệnh trừng phạt từ Mỹ.

"Việc Huawei tập trung vào phân khúc cao cấp là hoàn toàn hợp lý. Phân khúc cao cấp không chỉ có khả năng phục hồi tốt hơn mà Huawei còn có thể tận dụng thương hiệu của mình ở Trung Quốc, điều mà các nhà cung cấp khác vẫn đang phấn đấu", ông Will Wong, chuyên viên phân tích nghiên cứu tại IDC, nhận định. "Hơn nữa, các sản phẩm cao cấp có khả năng tạo ra doanh thu và lợi nhuận lớn hơn", ông nói.

HỆ ĐIỀU HÀNH RIÊNG BIỆT

Một phần trong chiến lược cao cấp của Huawei xoay quanh HarmonyOS, hệ điều hành được thiết kế cho điện thoại thông minh và một số thiết bị khác như tai nghe thực tế ảo và TV. Công ty đặt mục tiêu phần mềm này sẽ hệ thống hóa nhiều danh mục đồ điện tử tiêu dùng giống như Apple.

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cho biết sẽ mang đến "một HarmonyOS với trải nghiệm thông minh và cá nhân hóa hơn". HarmonyOS hiện đang chạy trên hơn 700 triệu thiết bị bao gồm điện thoại thông minh, đồng hồ và máy tính bảng.

Hơn nữa, phiên bản mới của trợ lý giọng nói AI Celia cung cấp nhiều tính năng trợ lý hấp dẫn, được đào tạo với mô hình ngôn ngữ Pangu AI của Huawei, nhằm cải thiện năng suất trong cuộc sống và công việc. Vào tháng 7, Huawei đã ra mắt Pangu thế hệ 3.0. Có ít nhất 200 triệu người dùng điện thoại di động tương tác với Celia mỗi tháng, hãng cho biết.

"Bạn có thể tương tác với Celia không chỉ bằng giọng nói mà còn bằng văn bản, hình ảnh, tài liệu... Bạn cũng có thể nhập liệu để tương tác với Celia nếu đang trong tình trạng không tiện nói chuyện. Cuộc đối thoại giữa người dùng và Celia hoàn toàn tự nhiên và trực quan", bà Jia Yongli, Giám đốc kinh doanh tiêu dùng tại Huawei, cho biết.

Celia có thể thực hiện một loạt các nhiệm vụ chẳng hạn như viết tóm tắt, dịch thuật, viết email hay viết các thể loại tài liệu khác. Huawei cũng cho biết một bộ tính năng mới sẽ ra mắt người dùng Celia vào cuối tháng 8.

CẠNH TRANH TẠI THỊ TRƯỜNG NƯỚC NGOÀI

Tuy nhiên, cơ hội dành cho điện thoại thông minh Huawei có thể sẽ chỉ giới hạn ở Trung Quốc, thị trường chiếm 89% các lô hàng điện thoại xuất xưởng của hãng trong quý 2. Nguyên nhân được cho là bởi điện thoại của Huawei vẫn thiếu 5G và HarmonyOS không được trang bị các ứng dụng quan trọng, chẳng hạn như Google, vốn đã trở thành thói quen của nhiều người dùng.

"Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng khi muốn giành lại vị trí nhất định ở nước ngoài", chuyên gia Wong nói. Rõ ràng, nhiều người dùng đã chuyển sang những thương hiệu điện thoại khác do Huawei thiếu các tính năng chính. "Sẽ mất khá nhiều thời gian để Huawei thu hút người dùng ở thị trường nước ngoài trở lại ngay cả khi hãng có thể giải quyết các vấn đề tồn đọng", ông nói thêm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate