November 02, 2023 | 14:25 GMT+7

HUBA kiến nghị đưa bất động sản vào danh sách được giảm thuế

Thi Nguyễn -

Trước những khó khăn kéo dài của thị trường bất động sản, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời đưa bất động sản vào danh mục giảm thuế VAT...

Nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đang gặp khó khăn - Ảnh minh hoạ
Nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đang gặp khó khăn - Ảnh minh hoạ

Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa có báo cáo tháng 10/2023 gửi UBND TP.HCM về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp thành viên,  trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Nhận định về tình trạng của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM nói riêng, HUBA cho biết hiện gặp nhiều khó khăn do sức mua suy yếu, lạm phát, gánh nặng nợ... HUBA kiến nghị giảm VAT cho tất cả các ngành, cùng với đó là các giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy lại thị trường.

KIN NGH GIM 2% VAT CHO TH TRƯỜNG BT ĐNG SN

Theo đánh giá của HUBA, doanh nghiệp xây dựng, bất động sản hầu hết khó khăn do nợ nần chồng chất, không thu hồi được nợ và khó có khả năng trả nợ trái phiếu. Sự đóng băng của thị trường bất động sản làm cho các doanh nghiệp xây dựng không có đơn hàng, kinh doanh đình đốn.

“Do không có vốn kinh doanh nên việc tiếp cận dự án đầu tư công là khó khả thi, kết quả là hàng loạt đơn vị xây dựng, bất động sản nhỏ lâm vào tình trạng phá sản”, HUBA nhìn nhận.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản bị thu hẹp đáng kể với nguyên nhân chủ yếu là sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với các chủ đầu tư.

Theo kết quả khảo sát nhu cầu doanh nghiệp của HUBA, các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ vốn, giảm lãi suất, đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng mong muốn tiếp tục giảm các loại thuế, phí, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn.

Theo đó, HUBA nhận định việc phục hồi thị trường bất động sản là nhu cầu cấp thiết, giúp thị trường phát triển lành mạnh, ổn định kinh tế - xã hội và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Hiện, chính sách giảm thuế VAT 2% trong sáu tháng cuối năm (từ ngày 1/7 đến 31/12) đang rất được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh. Tuy nhiên, có một số ngành, đặc biệt là bất động sản không được hỗ trợ và thời gian áp dụng quá ngắn, chưa đủ để hiệu quả của chính sách tác động sâu vào nền kinh tế.

Do đó, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối ngân sách để áp dụng giảm thuế VAT 2%, từ 10% xuống 8% cho tất cả các ngành kinh tế và kéo dài chính sách hỗ trợ đến hết năm 2024.

Đồng thời, nên có chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội... nhằm hỗ trợ nguồn tiền kinh doanh của doanh nghiệp.

KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC BẤT ĐỘNG SẢN THEO TỪNG PHÂN KHÚC

Ngoài giảm thuế, cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị cần phát triển thị trường bất động sản theo từng phân khúc.

Đối với thị trường nhà ở, theo Quyết định 4151 của UBND TP.HCM, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ phát triển 50.000.000 m2 nhà ở. Tuy nhiên, số lượng thực hiện là rất thấp, đặc biệt nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân chưa đáp ứng đủ 10% nhu cầu. Nguyên nhân cơ bản là vấn đề pháp lý, thủ tục, cơ chế thực hiện chưa rõ ràng.

Do đó, HUBA kiến nghị thành phố cần có các chính sách hữu hiệu hỗ trợ sự phục hồi và phát triển của thị trường, hỗ trợ việc làm cho doanh nghiệp và đảm bảo nhu cầu an cư của người dân.

Mặt khác, HUBA cũng cảnh báo cần cân nhắc rủi ro thị trường khi phê duyệt các dự án khu dân cư lớn, rút kinh nghiệm các dự án ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) hay là Forest City (Malaysia).

Đối với thị trường bất động sản công nghiệp, HUBA đánh giá khó khăn ở vấn đề nguồn cung và pháp lý đất khu công nghiệp. Bên cạnh đó, hình thức thuê đất trả tiền hàng năm không gắn liền với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm mất khả năng thế chấp vay, điều này làm giảm sức cạnh tranh của các khu công nghiệp tại TP.HCM so với các tỉnh trong khu vực. Vì vậy, cần xem xét điều chỉnh phù hợp.

Đồng thời, thành phố cũng nên quy hoạch một số khu công nghiệp tập trung ở ngoại thành có diện tích đủ lớn cho các tập đoàn đa quốc gia xây dựng đại bản doanh (như Apple, Boeing, Google, Siemens, Amazon, Foxcom...), từ đó tạo cơ hợi cho các doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ, sản xuất phụ trợ và tạo việc làm cho người lao động.

Riêng với thị trường bất động sản thương mại - du lịch, bao gồm biệt thự nghỉ dưỡng, condotel, officetel, shophouse... hầu như tê liệt thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và pháp lý chủ quyền.

HUBA kiến nghị thành phố nên xem xét điều chỉnh chính sách hỗ trợ theo định hướng phát triển ngành công nghiệp không khói, tận dụng lợi thế đất đai, môi trường, sông rạch, di tích lịch sử, truyền thống, nguồn nhân lực hiện có, ít tác động đến môi trường, cảnh quan, tạo nguồn thu ổn định, lâu dài cho ngân sách.

Trong đó, tiềm năng du lịch - thương mại sông Sài Gòn cần được khai thác sớm, làm điểm nhấn đột phá và lưu giữ du khách khi tới TP.HCM.

Đối với nguồn lực đất đai, Nghị quyết 98 cho phép thành phố quyết định chuyển đổi đất lúa dưới 500 ha làm dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp được thế chấp, chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền thuê đối với đất thuê trả tiền hằng năm nguồn gốc ngoài ngân sách.

HUBA cũng kiến nghị TP.HCM nên tiến hành khảo sát hiện trạng sử dụng đất để xóa bỏ tình trạng đất hoang hóa, tăng hiệu quả kinh tế sử dụng đất. Trong đó, đặc biệt quan tâm sử dụng đất cho loại hình bất động sản công nghiệp và bất động sản nông nghiệp kết hợp du lịch đang có nhu cầu lớn hiện nay.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate