Tháng 9/2024, công nghệ trạm tương tác thông minh lần đầu được thí điểm tại Hải Vân quan (Thừa Thiên Huế) khi di tích mở cửa đón khách tham quan trở lại, sau quá trình trùng tu. Sau khi đưa vào khai thác, nơi được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, các trạm tương tác thông minh đã thu hút hơn 5.000 lượt tương tác và đón nhận hàng trăm hình ảnh check-in, cùng với đó là sự hào hứng của đông đảo du khách.
CHẠM VÀO DI SẢN
Sau khi triển khai thí điểm thành công tại di tích Hải Vân quan, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã triển khai công nghệ trạm tương tác thông minh này tại khu vực Đại nội Huế.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, trạm tương tác thông minh là những bảng vật lý được gắn chip kết nối không dây tầm ngắn (NFC), khách du lịch có thể chạm điện thoại thông minh vào để kết nối được câu chuyện văn hóa lịch sử của mỗi địa điểm di tích với nhiều hình thức thể hiện phong phú gồm hình ảnh, video, mô hình 3D, văn bản, và hướng dẫn viên sử dụng trí thông minh nhân tạo.
Tại mỗi vị trí, du khách cũng được cung cấp lộ trình du lịch và được dẫn đường đến điểm tham quan tiếp theo. Chụp hình check-in và đăng tải hình ảnh của chính mình lên “bảng vàng” của từng địa điểm cũng là một chức năng vô cùng được yêu thích, trong đó du khách được “khắc tên mình lên bức tường số” của từng địa điểm mà không hề gây mất mỹ quan cho các danh thắng, mà còn giúp từng địa điểm quảng bá du lịch, tạo tác động tốt cho địa phương. Ngoài ra, du khách cũng có thể tham gia vào các nhiệm vụ thú vị để nhận được những phần thưởng hấp dẫn…
“Trong thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới tương tác thông minh cho văn hóa và di sản Huế, với kỳ vọng sẽ triển khai mô hình hoàn thiện trên toàn bộ các địa điểm văn hóa và di sản tại địa phương trước thềm sự kiện đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia và Festival Huế vào tháng 3/2025”, ông Trung cho hay.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng nhận định, với công nghệ mới này, mô hình du lịch văn hóa của Huế có tiềm năng thay đổi thói quen du lịch của du khách, “chạm” sâu hơn vào các câu chuyện, trải nghiệm nhiều hơn các địa điểm du lịch, thúc đẩy liên kết mạnh hơn với các dịch vụ địa phương, từ đó tạo ra sự tích cực cho bức tranh chung của du lịch văn hóa và có thể trở thành một hình mẫu tham khảo điển hình để khai thác du lịch văn hóa ở các tỉnh thành khác.
Tương tự, trên nền tảng ứng dụng Hộ chiếu du lịch Huế - Hue City Passport được ra mắt cuối năm ngoái, mới đây, Sở Du lịch vừa phối hợp với các đơn vị tiếp tục triển khai Hue City Passport 2024 với chủ đề “Hộ chiếu trên tay, “chill” ngay cùng Huế”. Du khách chỉ cần quét mã QR để cài đặt app Hộ chiếu Du lịch Huế, đăng ký thông tin cá nhân để tham gia. Người tham gia đảm bảo thực hiện các hoạt động tham quan, trải nghiệm và check-in ít nhất tại 6 điểm (bao gồm Đại Nội Huế) trong tổng số 13 điểm được giới thiệu trong app hộ chiếu du lịch.
Sau khi xác nhận đã thực hiện hết các hoạt động tham quan, trải nghiệm được giới thiệu trong ứng dụng Hue City Passport, thông tin hoàn thành của người tham gia sẽ được chuyển tiếp vào hệ thống của ban tổ chức để nhận huy chương. Hoàn thành thử thách check-in “Hộ chiếu trên tay, “chill” ngay cùng Huế”, du khách cũng sẽ được nhận được kỷ niệm chương của ban tổ chức cuộc thi hộ chiếu du lịch Huế 2024.
TIẾN TỚI HỆ SINH THÁI DU LỊCH THÔNG MINH
Bên cạnh việc tham gia trải nghiệm trên app, du khách cũng có thể tham gia cuộc thi “Sáng tạo video hộ chiếu du lịch Huế - Hue City Passport”. Thông qua cuộc thi này, người dân và du khách sẽ gia tăng trải nghiệm khi đến tham quan các điểm: Đại Nội Huế, chùa Thiên Mụ, Trường THPT chuyên Quốc Học Huế, Đàn Nam Giao, lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh, lăng Minh Mạng, nhà thờ Phủ Cam, Cung An Định, chợ Đông Ba, cầu Ngói Thanh Toàn. Việc ghi lại những cảm xúc và trải nghiệm rồi xây dựng thành một thước phim ngắn sẽ giúp lan tỏa vẻ đẹp du lịch Huế đến bạn bè trong và ngoài nước. Đồng thời, người tham gia còn có cơ hội chinh phục những giải thưởng hấp dẫn.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã triển khai tái hiện nhiều món ăn đặc trưng xứ Huế thông qua việc số hóa 3D ẩm thực. Công tác số hóa ẩm thực nhằm tạo thư viện lưu trữ công thức các món ăn đặc trưng của Huế một cách bài bản. Nhiều món ăn đã được số hóa 3D, như: Súp yến sào bạch tuyết lê, cá cuộn ngũ liễu hấp, chạo tôm lụi mía, bí đao lục dung...; các món chay như mâm cuốn, khay bánh Huế, cơm sen gói lá, vả trộn nấm sò vua...
Nhằm hỗ trợ du khách thuận tiện trong việc di chuyển và tìm kiếm các điểm đến trong Hoàng Cung Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng phối hợp với HueCIT xây dựng App "Di tích Huế". Với ứng dụng này, du khách được trang bị bản đồ số đầy đủ và tiện lợi để tham quan Hoàng Cung Huế. Chỉ với thao tác cài đặt ứng dụng “Di tích Huế” trên smartphone và nhập vào địa điểm cần đến, ứng dụng sẽ định vị vị trí của du khách và hướng dẫn đường đi gần nhất đến với điểm tham quan mong muốn.
Có thể thấy, Thừa Thiên Huế việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng AI đã tạo nên dấu ấn cho ngành du lịch đến gần hơn với du khách. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, du khách trải nghiệm các điểm đến khi đến Huế là một trong những điểm sáng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch địa phương và mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Đây là hoạt động phù hợp với xu hướng mới nhằm từng bước xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dù vậy, một số giải pháp, tiện ích, ứng dụng gắn với du lịch thời gian qua mới chỉ là bước đầu. Để xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, không chỉ cần ngành du lịch tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách mà còn cần quan tâm nguồn lực, đầu tư hạ tầng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực có trình độ công nghệ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch thông minh và xu hướng phát triển của loại hình du lịch này.