Cụ thể, công ty khiếu nại một phần xử phạt vi phạm hành chính về thuế vào tháng 6/2022 của Cục Thuế TPHCM liên quan việc ấn định tăng doanh thu tài chính đối với các khoản lãi tính trên các khoản nợ chậm trả của "Các bên liên quan" chậm thanh toán tiền thi công xây dựng theo tiến độ.
Số tiền thuế và tiền phạt vi phạm hành chính, chậm nộp khiếu nại tổng cộng là 24,5 tỷ đồng - trong đó: tiền thuế TNDN truy thu gần 18 tỷ đồng, tiền phạt là 3,6 tỷ và tiền chậm nộp là 2,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, HTN đã có đề nghị không tính lãi trên khoản nợ chậm trả của Các bên liên quan đối với HTN do chủ đầu tư đã tạm ứng hoặc thanh toán cho công ty theo hợp đồng, các hồ sơ nghiệm thu và đến thời điểm hiện tại (2022) các bên liên quan cũng đã thanh toán xong công nợ của một số dự án cho công ty.
Ngoài ra, cũng theo HTN do ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19 nên từ năm 2019-2020 việc thu tiền các khách hàng của các bên liên quan cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, tiến độ thanh toán và thời gian thi công giữa các bên và công ty cũng bị chậm trễ và kéo dài thời gian hơn các thoả thuận trước đây.
Bên cạnh đó, công ty cũng đã bổ sung các tài liệu, chứng từ để giải trình nội dung khiếu nại. Qua đó, Cục Thuế TPHCM đã có quyết định công nhận một phần nội dung đơn khiếu nại của Hưng Thịnh Incons.
Đồng thời sửa đổi quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Cụ thể: HTN chỉ bị phạt thuế hơn 398 triệu đồng, cộng thêm là 1,75 tỷ đồng tiền truy thu và 264 triệu đồng tiền chậm nộp. Tổng cộng số tiền doanh nghiệp này phải đóng là 2,4 tỷ đồng, chỉ bằng 1/10 số phạt cũ.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu thuần của HTN trong quý 1/2023 đạt 428 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ (1.488 tỷ đồng); lợi nhuận thuần từ hoạt độn kinh doanh lỗ 21,3 tỷ, lỗ trước thuế gần 18 tỷ đồng (cùng kỳ có lãi 43 tỷ đồng).
Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu quý 1 của công ty giảm hơn 71% lợi nhuận sau thuế giảm gần 141% so với cùng kỳ là do doanh thu giảm dẫn đến lợi nhuận giảm.
Tính đến ngày 31/03/2023, tổng tài sản của HTN đạt gần 9.198 tỷ đồng, tăng 0,26% so với đầu năm chủ yếu đến từ tăng tài sản ngắn hạn. Cụ thể, hàng tồn kho ghi nhận gần 2.118 tỷ đồng, tăng 296 tỷ đồng (+16,2%) chủ yếu do tăng chi phí các công trình dở dang.
Ngoài ra, khoản mục tài sản ngắn hạn khác cũng tăng 47 tỷ đồng, tương ứng tăng 28,4% so với đầu kỳ. Một điểm sáng trong cơ cấu tài sản ngắn hạn cuối quý 1/2023 đó chính là xu hướng giảm của khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng. So với đầu kỳ, khoản phải thu ngắn hạn khách hàng đã giảm gần 644 tỷ đồng, xuống còn 2.795 tỷ đồng.
Trên thị trường, chốt phiên 15/5, thị giá HTN giảm 650 đồng xuống 13.000 đồng/cp.